Gần đây, rap/hip hop chiếm lĩnh thị trường nhạc Việt với hai chương trình "Rap Việt" và "King of Rap" có lượt người xem đáng mơ ước. Sản phẩm của các rapper Việt liên tiếp đứng trong top đầu Trending YouTube Việt Nam. MV của rapper Đen Vâu cứ ra mắt là soán ngôi hàng loạt sản phẩm âm nhạc khác. Sự lên ngôi của rap/hip hop khiến không ít người yêu nhạc cảm thấy chạnh lòng, tiếc nuối cho rock Việt - từng một thời đình đám.
Đang "ngủ đông"
Nhiều khán giả hẳn còn nhớ đến thời kỳ đỉnh cao của rock Việt, khoảng 20 năm trước. Lúc ấy, nhiều chương trình biểu diễn rock ở sân vận động kéo dài cả mấy ngày. Những điểm diễn rock luôn đặc kín khán giả và hàng loạt ban nhạc rock được khán giả đón đợi.
Thế nhưng, mới đây, ban nhạc rock Ngũ Cung Pentatonic gây chú ý khi nhận định: "Rock đã chết!". Trên nhiều diễn đàn là những cuộc tranh cãi không hồi kết về sự tồn tại của rock Việt.
Liệu rock Việt thực sự đã chết? Tất nhiên không, vì vẫn có sản phẩm rock được ra mắt và đón nhận. Sau album đầu tay "Sét đánh ngang trời" ra mắt cách đây 5 năm, mới đây, ban nhạc Hạc San (phong cách progressive metal) trình làng album thứ 2: "Hồn - Trăng - Máu", viết về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử. Với mong muốn tạo ra sản phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao về cả nội dung, hình thức lẫn chất lượng, các thành viên của ban nhạc Hạc San đã rất nỗ lực tạo ra album này.
Âm nhạc nói chung và rock nói riêng, phát triển với nền tảng bền vững, văn hóa đặc trưng của mỗi quốc gia, nên nói như nhạc sĩ Phương Uyên, không có chuyện rock Việt chết. Một thành viên ban nhạc rock Ngũ Cung Pentatonic chia sẻ thêm, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, rock Việt chỉ đang "ngủ đông", chờ cơ hội để "bay show" trở lại trong thời gian sớm nhất. "Rock phức tạp hơn loại hình khác, bởi khi diễn là phải có cả ban nhạc sống cho đúng tinh thần rock". Nhưng từ đầu năm đến nay, không có một show nào ra hồn để thỏa sức trình diễn hết mình trên sân khấu" - thành viên này nói.
Có điều, trong lúc nhạc pop vẫn chiếm thế thượng phong và dạo gần đây, rap/hip hop có dịp ngoi lên theo kiểu "gặp thời" thì với nhiều lý do, Rock Việt đang "sống dở chết dở". Vậy nên, khi album "Hồn - Trăng - Máu" xuất hiện, người hâm mộ kỳ vọng rock Việt thay đổi chính mình.
Đại diện ban nhạc Hạc San bày tỏ lạc quan: "Từ khi đặt bút sáng tác phần nhạc, cặm cụi viết lời, luyện tập trong 2 năm liên tục để chuẩn bị cho phần thu live, thiết kế bìa đĩa cũng được thay đổi từ 4 - 5 lần. Hạc San cố gắng làm tất cả những gì có thể để ra đời album độc đáo này".
Cần có những sáng tạo mới mẻ
Khán giả rock rất riêng, khác biệt nhưng cũng rất cực đoan. Kiếm được nhiều tiền hay "sống ổn" từ phân khúc khán giả này quả thật không dễ. Để cân bằng giữa đam mê và cuộc sống, các nghệ sĩ, ban nhạc phải xoay đủ kiểu.
Nói như vậy để thấy nếu không sáng tạo, không có những tác phẩm mới, không tự tạo ra sân chơi thì rock Việt chỉ mãi chìm trong dư âm nhạt nhòa của quá khứ. Rock hay bất cứ thể loại âm nhạc nào, để được đón nhận, cần có những sáng tạo mới mẻ. Nhiều ban nhạc rock đã chứng minh điều đó bằng sự tồn tại của họ trên thị trường âm nhạc.
"Rock hóa" các bài hát xưa (nhạc đỏ) là cách để ban nhạc rock như Ngũ Cung sống ổn. Họ luôn có nhiều chương trình, sự kiện biểu diễn. Mới đây, bài hát "Hát mừng các cụ dân quân" (Đỗ Nhuận) với phiên bản Ngũ Cung đã được khán giả yêu thích nồng nhiệt.
Trong khi đó, album "Hồn - Trăng - Máu" của nhóm Hạc San được xây dựng trên dữ liệu thật về cuộc đời nhà thơ Hàn Mặc Tử và phóng tác thành một câu chuyện giả tưởng về một sinh linh cô độc trên một tinh cầu xa lạ, khát khao đi tìm sự sống. Album bao gồm 1 bài (track) với độ dài 29 phút 2 giây cùng 6 chương lần lượt là Hàn - Nguyệt - Mộng - Phong - Huyết - Tử, kể về cuộc đời của nhà thơ từ lúc thăng hoa cho đến khi vướng phải bệnh tật và qua đời. Ý tưởng đặc biệt này đã giúp cái tên Hạc San được tôn vinh trên nhiều diễn đàn âm nhạc.
Khán giả cũng dành nhiều lời khen ngợi cho Ngọt, một trường hợp cải biến rock rất thú vị, âm nhạc của họ không hẳn là rock chính thống nhưng tinh thần rock thì được thể hiện một cách tươi mới. Hay Cá Hồi Hoang, một ban nhạc rock-alternative, với nhiều thể nghiệm mới đang cuốn hút giới trẻ 2 miền Nam - Bắc.
Đa phần nghe cứ "bèn bẹt"
Một khán giả nhận xét: "Rock Việt nghe đa phần cứ "bèn bẹt", thiếu lửa, chỉ chăm vuốt ve cái vẻ ngoài cho "ngầu" là chính mà không tìm tòi cái mới, moi đống rock ngoại xưa cũ để cố nhập xác nhưng lại vô hồn". Ý kiến này nhận được sự đồng thuận từ chính người trong cuộc, trong đó có ban nhạc Ngũ Cung.
Theo giới chuyên môn, rock có trong mỗi con người, dẫu yêu hay chưa yêu rock. Nhưng nếu cứ bám vào những hào nhoáng quá khứ thì rock Việt tự đặt dấu chấm hết cho mình. Do đó, rock Việt cần sự sáng tạo đột phá để tìm lại chỗ đứng trong thị trường âm nhạc.
Nld.com.vn