Rock Việt 'không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự'

Bài đăng trên kênh của ban nhạc rock Ngũ Cung Pentatonic với tiêu đề “Rock đã chết! Chết nhục nhã” đang nhận về nhiều sự quan tâm của những khán giả yêu thể loại âm nhạc đầy máu lửa này.

Rock Việt không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự - Ảnh 1.

Microwave là một trong số ít những ban nhạc rock vẫn còn thường xuyên hoạt động - Ảnh: Facebook Microwave

 

Nhạc hiphop hay R&B phổ biến hơn trên nền tảng streaming hay radio nhưng ở những sân khấu trực tiếp, rock vẫn mãi đứng ngôi vua.

Rock trụ vững qua nhiều thời gian bất chấp những xu hướng văn hóa khác. Đó là nền âm nhạc văn minh cách chúng ta cả một Thái Bình Dương; còn ở Việt Nam, rock đang ở đâu?

Giấc ngủ quên của chú sư tử

Sau ngần ấy năm, chúng ta vẫn chỉ thấy những ca khúc quen thuộc lặp lại ở các đêm nhạc rock: Da Vàng với Bạch Đằng giang, S.O.S, Vòng tay bè bạn hay Sống, Tìm lại, Bão đêm của Microwave.

Các tụ điểm rock thường là những quán bar, rock café hay beer club - đã từng là như vậy, nhưng nay những sân khấu này gần như đã thuộc về các thể loại khác, như rap chẳng hạn. Các ban nhạc rock ầm ĩ một thời ở TP.HCM đã tan rã.

Số lượng người chơi rock, nghe rock trên thực tế vẫn đang ngày một giảm đi. Theo khảo sát của người viết, nhiều rocker có kỹ năng tốt nhưng phần lớn họ đều không sống được bằng thu nhập từ tác phẩm của mình.

Một số làm những công việc khác để kiếm sống như đánh nhạc ở những sự kiện nhỏ lẻ, đám cưới hay một vài quán bar.

Rock Việt không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự - Ảnh 2.

Cố nhạc sĩ Trần Lập - một biểu tượng Rocker của Việt Nam

 

Cũng có người tìm công việc khác để mưu sinh. Hầu hết rocker hiện nay đều chỉ chơi rock để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân, họ không chú trọng trong việc xây dựng hình ảnh và truyền thông bài bản chứ chưa kể đến vấn đề kinh doanh từ âm nhạc.

Đối tượng khán giả của rock từng là sinh viên, những người trẻ đang trong độ tuổi tràn đầy nhiệt huyết.

Nhưng sinh viên thời nay không còn như những năm 2000 hay 2005 nữa, giờ đây họ thích nghe nào là nhạc indie hay các thể loại như pop, rap hay lofi. Giấc ngủ quên của chú sư tử một thời đã trở thành khoảng thời gian quý giá mà những thể loại khác đã đi trước khoảng cách khá xa.

Sự phát triển mạnh mẽ của rap nói riêng và hiphop nói chung cho thấy nhu cầu về một thứ âm nhạc mạnh mẽ, máu lửa, tràn đầy năng lượng đang chiếm thế thượng phong trên bản đồ V-pop.

Nếu nhạc rock là cách để những người trẻ như họ cất tiếng nói cho nhiều vấn đề khác nhau của cuộc sống thì rõ ràng rap đang làm tốt việc này hơn rock, ở Việt Nam. Có thể thấy rõ những vấn đề nữ quyền trong các bản rap của Suboi hay Kimmese.

Rock Việt không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự - Ảnh 3.

Thay rock, Suboi với rap cất lên tiếng nói nữ quyền ?

 

Không thể phủ nhận nhạc rock đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Làm rock rất tốn, tốn tiền và công sức.

Một nghệ sĩ rock phải hiểu qua các kiến thức nhạc lý, nhạc cụ, hòa âm phối khí... công việc đó đòi hỏi sự nghiêm túc và sáng tạo. Nhiều nghệ sĩ theo đuổi nhạc rock đang loay hoay không biết đâu mới là hướng đi phù hợp.

Có một rocker cho rằng lý do rock không còn phổ biến là vì đặc điểm văn hóa của người Việt không thích nghe rock, dĩ nhiên đây là một ý kiến gây tranh cãi.

Trong quá khứ, rock từng là ngọn cờ đầu suốt hàng thập kỷ, ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lĩnh vực văn hóa giải trí khác như phim ảnh, thời trang từ thập niên 1990 đến những năm 2000.

Hàng loạt ban nhạc rock đình đám như Microwave, Bức Tường, Rock Alpha, Thủy Triều Đỏ, Atmosphere hay Smallfire… nhận được sự yêu thích và ủng hộ từ khán giả trẻ. Sức hấp dẫn của rock khiến nhiều ca sĩ nhạc pop muốn thử sức với dòng nhạc này, trong đó có Mỹ Tâm.

Rock Việt không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự - Ảnh 4.

Những sân khấu lớn dành cho rock đang bắt đầu thưa thớt dần - Ảnh: Facebook Bức Tường

 

Dấu chấm hỏi cho tương lai của rock

Nhạc rap thời mới du nhập vào Việt Nam cũng không được mấy người đón nhận, bị gán mác là thứ âm nhạc cộc cằn, khó nghe, nếu không muốn nói là có phần thô lỗ so với văn hóa giải trí của người Việt.

Cho đến khi Wowy mang đến những bài rap rất đời như Hai thế giới, người ta mới nhận ra rằng rap thẳng và thật như chính cuộc sống này. Và lúc Karik, Only C tung ra Anh không đòi quà, khán giả bắt đầu nhìn nhận rap như một loại hình giải trí có nhiều tiềm năng trở thành hit triệu view.

Rock Việt không chết cũng không sống, thật ra chưa bao giờ sống thực sự - Ảnh 5.

Rap của Đen Vâu đang chiếm sóng khán giả từng là của Rock?

 

Rồi tới khi Đen Vâu xuất hiện, khái niệm về rap một lần nữa được mở rộng hơn: rap cũng là những lời tâm sự giữa con người với nhau. Karik, Wowy, Đen Vâu - họ chọn đi nhiều con đường trên hành trình gắn bó với rap nhưng cùng mang rap tới khán giả đại chúng. Vậy ai sẽ là Karik, Wowy hay Đen Vâu của rock?

Nhạc sĩ Phương Uyên chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Chẳng có gì gọi là chết, sóng sau đẩy sóng trước, hết vòng rồi lại quay về, chỉ cần một nhân tố xuất sắc xuất hiện. Nhân vật có thể xoay chuyển guồng quay, nhân vật có đủ lực đánh tan các con sóng khác".

Ngọt là một trường hợp cải biến rock rất thú vị, âm nhạc của họ không hẳn là rock chính thống nhưng tinh thần rock thì được thể hiện một cách tươi mới.

Bức ảnh của Nhạc sỹ Trần Toàn trong bài đăng gây tranh cãi trên fanpage Ngũ Cung Pentatonic

 

Nhạc Việt tách biệt với thế giới

Nhạc rock Việt không thực sự đang chết mà cũng không thực sự đang sống. Thật ra thì chưa bao giờ sống thực sự. Chả riêng gì rock mà nền âm nhạc lạc hậu và yếu ớt của chúng ta toàn dựa dẫm chứ có tự sống, sống khỏe bao giờ đâu.

Nhưng khán giả sẽ và không bao giờ thay đổi tình trạng nào, việc đó là của những người làm âm nhạc. Khó khăn thì dòng nhạc nào cũng gặp, pop có tiếp cận khán giả dễ hơn thì làm sô vẫn lỗ. Sẽ chỉ có thể tiếp cận khán giả nếu sản phẩm đó thực sự thuyết phục và đáng giá.

Sân chơi phải do người chơi tạo nên, không ai làm sẵn cho chúng ta chơi cả. Ngoài sự sáng tạo trong âm nhạc, nghệ thuật thì người chơi nhạc hay rocker còn phải sáng tạo trong sự tiếp cận và đưa sản phẩm của mình tới khán giả.

Âm nhạc Việt chứ không chỉ riêng rock tách biệt với thế giới, thiếu cọ xát dẫn tới lạc hậu, manh mún và chộp giật.

Chính từ sự lạc hậu đó dẫn tới việc rất dễ hài lòng với bản thân, ảo tưởng. Trong một nền công nghiệp âm nhạc lạc hậu như vậy thì không cứ gì rock mà âm nhạc nói chung đều chưa thu hút được công chúng.

Điều đầu tiên cần nêu lên là sự thiếu chuyên nghiệp từ cách thức sáng tạo, hoạt động và kinh doanh âm nhạc ở Việt Nam, nó dẫn đến việc mọi sản phẩm từ album, sô đều chưa đạt được đến tiêu chuẩn cần có, điều đó tạo nên sức hút yếu ớt và thói quen thưởng thức của khán giả".

Nhạc sĩ Quốc Trung (T.VŨ ghi)

 

Tuoitre.vn

Top