Thế nhưng, bạn cũng đừng quá sửng sốt, khi chúng thật ra không phải thứ nhạc “bằng xương bằng thịt” theo đúng nghĩa đen đâu. Những bản “nhạc xương”, trên thực tế, chính là những bản nhạc đang rất thịnh hành trên thế giới vào thời điểm giữa thế kỷ 20, nhưng sở dĩ có tên gọi như vậy, vì để nghe được chúng, bạn phải dùng một loại đĩa than được làm từ … những cuộn phim X-quang chụp xương, sọ, cẳng chân của người thật.
Một chiếc đĩa than làm từ phim X-quang của Liên Xô
Không chỉ mang tên gọi và hình thức “có một không hai”, mà nguồn gốc của thứ âm nhạc này cũng không kém phần ly kỳ.
Chúng ta hãy cùng ngược dòng thời gian, trở lại Liên Xô những năm dưới thời của nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Đó là thời kỳ mà việc sở hữu bất kỳ văn hóa phẩm nào từ sách báo, phim ảnh, băng đĩa, thậm chí các thể loại âm nhạc bị cho là có nguồn gốc từ phương Tây…đều bị đặt ngoài vòng pháp luật. Bất kỳ ai vi phạm đều có thể bị tạm giam hoặc phải đối mặt những hình phạt lao động khổ sai.
Dù vậy, một niềm khao khát tìm hiểu và thưởng thức các dòng nhạc đại chúng phương Tây như Jazz, Blues hay Rock n’ Roll … vẫn âm ỷ cháy trong một bộ phận không nhỏ người dân Liên Xô thời bấy giờ. Nhiều điểm thu mua đĩa than lậu cũng vì thế mà nổi lên, đặc biệt sau Thế chiến II, thời điểm những người lính Hồng quân vừa giành chiến thắng trở về, mang theo chiến lợi phẩm là những đầu thu, băng đĩa nhạc từ mặt trận phía Tây. Trong số này có anh lính trẻ Stanislav Philo, người đã bê hẳn một máy đúc đĩa than về quê nhà của mình tại Leningrad.
Dù có liệt các loại băng đĩa nhạc vào “danh sách đen”, thế nhưng vì một lý do nào đó, chính quyền Liên Xô vẫn cho phép nhập khẩu và sử dụng các loại máy in, đúc đĩa than từ phương Tây một cách tự do. Nhờ đó, Philo đã lợi dụng điều này để mở một cửa hàng băng đĩa tại Leningrad. Bề ngoài, cửa hàng này bán các băng địa nhạc Liên Xô một cách hợp pháp, nhưng bên trong, nó chính là nơi Philo ngấm ngầm tiêu thụ những đĩa nhạc lậu của nước ngoài với số lượng nhỏ giọt.
Dần dần, Philo trở nên nổi tiếng trong cộng đồng ngầm của những người yêu âm nhạc phương Tây tại Liên Xô, và thu hút được một số lượng nhất định những khách hàng thân thiết.
Đáng chú ý nhất trong số những khách quen của Philo là chàng kỹ sư trẻ tuổi Ruslan Bogoslovsky. Bị mê hoặc bởi chiếc máy đúc đĩa than, Bogoslovsky mày mò nghiên cứu cấu tạo của chiếc máy, và tin rằng mình có thể dựa vào nó để nhân rộng số đĩa than lậu được bán ra thay vì dựa vào nguồn cung ít ỏi từ cửa hàng của Philo.
Ruslan Bogoslovsky - "cha đẻ" của đĩa nhạc bằng X-quang
Nhưng vào thời điểm đó, nhựa vinyl để làm đĩa than là một nguyên liệu quý hiếm và khá đắt đỏ tại Liên Xô, và để tuồn được số nguyên liệu này cho việc in lậu đĩa than lại càng tốn kém và nguy hiểm gấp bội.
Nhưng trong cái rủi lại có cái may, Một ngày nọ, Bogoslovsky đi ngang qua bãi rác của một bệnh viện và tình cờ nhìn thấy một đống phim chụp X-quang bị vứt bỏ tại đây. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu chàng kỹ sư trẻ, và anh lập tức gom toàn bộ các tấm phim bị vứt bỏ, mang về nhà và vạch ra một ý tưởng táo bạo của riêng mình.
Cùng với người bạn thân Boris Taigin, Bogoslovsky lập ra một nhóm kín với bí danh The Golden Dog Gang (gọi là gang nhưng thật ra các thành viên của nhóm chỉ có duy nhất 2 người – Bogoslovsky và Taigin). Họ có nhiệm vụ thu gom các tấm phim X-quang bị vứt đi, cắt thành hình tròn và mang đến cửa hàng của Philo để thu lại các bản nhạc từ đĩa than lậu, rồi bí mật đem tuồn chúng cho những khách hàng tin cậy và thị trường chợ đen chỉ với giá 1 Rúp/đĩa.
Trong mắt những bệnh viện tại Liên Xô, những tấm phim X-quang đã qua sử dụng bị xem như phế phẩm, chỉ lưu trữ được 1 năm rồi đem vứt vì dễ gây hỏa hoạn. Nhưng trong mắt Bogoslovsky, chúng không khác gì những “mỏ vàng” từ trên trời rơi xuống. Những tấm phim bọc nitrat bạc vừa có đủ độ mềm để uốn tròn bằng tay và đục lỗ xỏ vào máy phát đĩa chỉ bằng một mẩu thuốc lá cháy dở, vừa có đủ sự cứng cáp để tra kim đọc đĩa than mà không gây xước.
Hơn nữa, nguồn cung của chúng lại vô cùng dồi dào và hoàn toàn miễn phí. Tất cả đều là những yếu tố quá thuận lợi để Bogoslovsky và Taigin tạo nên một cuộc cách mạng về băng đĩa nhạc giữa lòng Liên Xô, ngay tại thành phố là nơi khởi đầu cuộc Cách mạng tháng 10.
Kể từ đó, âm nhạc của những tên tuổi như Elvis Presley, The Beatles, Bill Haley, The Rolling Stones … đã âm thầm len lỏi vào từng ngôi nhà, góc phố và … từng khu chợ đen của Liên Xô. Thậm chí, những nghệ sĩ Liên Xô thành danh ở nước ngoài nhưng bị cấm lưu hành các nhạc phẩm ở trong nước, như Pyotr Leshchenko hay Konstantin Sokolsky, cũng đã được công chúng Liên Xô biết đến rộng rãi qua những chiếc “đĩa than” như vậy.
Đương nhiên, chất lượng âm thanh của chúng thì khó mà bì kịp với những chiếc đĩa than xịn xò, nếu không muốn nói là tệ hại hơn cả những bản nhạc chất lượng lo-fi ở thời điểm hiện tại, tình trạng vấp đĩa, rè tiếng, thậm chí còn không nghe nổi ca sĩ hát được những gì … diễn ra như cơm bữa. Thế nhưng, những chiếc đĩa nhạc bằng phim X-quang này đang là cứu cánh duy nhất để người dân Liên Xô thời bấy giờ có thể tiếp cận với nền văn hóa, âm nhạc đầy phong phú của thế giới phương Tây.
Và vì nguyên liệu chính để chế tạo những chiếc "đĩa than" này là các tấm phim X-quang đã qua sử dụng, nên sẽ không phải là điều hiếm gặp đối với người Liên Xô khi được nghe tiếng nhạc Jazz từ một cái dẻ sườn, hay giọng ca của Ella Fitzgerald từ … một cái hộp sọ. Đó cũng chính là khởi nguồn cho những biệt danh như “nhạc xương” (Музыка на костях), “nhạc sườn” (Музыка на рёбрах) hay thậm chí là "nhạc Jazz từ xương" (Джаз на костях). Chúng vừa thể hiện độ hài hước của người dân hành tinh Nga, vừa là những mật ngữ hữu hiệu cho các giao dịch băng đĩa ngoài chợ đen mà không bị “sờ gáy”.
Một máy phát được dùng để mở nhạc từ đĩa phim X-quang
Tuy nhiên, đây là Liên Xô, nơi bạn có chạy đằng trời thì cũng không thể tránh khỏi tai mắt của mật vụ và an ninh. Bogoslovsky, Taigin và Philo cũng không phải ngoại lệ, khi cả 3 người vào một ngày xấu trời đều lần lượt bị viếng thăm bởi những người lạ mặt với câu mở đầu “chúng tôi hổng phải KGB đâu” thay cho lời chào, với offer là những kỳ nghỉ dài hạn, được nhà nước bao ăn ở, tại những khu nghỉ dưỡng “cao cấp” ở vùng Siberia lạnh giá.
Song điều này cũng chằng thể ngăn được sự len lỏi của hơn 1 triệu đĩa nhạc phim X-Quang ra khắp lãnh thổ Liên Xô. Nhiều điểm phân phối “nhạc xương” đã mọc lên như nấm sau mưa từ các khu chợ đen. Nhiều địa điểm nghe nhạc nước ngoài “chui” cũng nhờ đó mà được hình thành ở các khu bếp ăn, kho chứa hay dưới tầng hầm ở bất kỳ khu nhà nào đó.
Có thể nói, trước khi băng cassette được du nhập vào Liên Xô, đĩa nhạc phim X-quang của Bogoslovsky đã thực sự tạo nên một cuộc "cách mạng âm nhạc" ngầm tại nước này trong hơn 20 năm, và góp phần tạo nên một trào lưu văn hóa có tên gọi стиляги (Stilyagi), trào lưu của những người Liên Xô trẻ tuổi có niềm ưa thích văn hóa, nghê thuật và thời trang phương Tây, không cam chịu sự áp chế về mặt tư tưởng và văn hóa của chế độ Soviet, tương tư trào lưu hippie ở Mỹ và nước châu Âu.
Tuy nhiên, phải đến hơn 20 năm sau khi Liên Xô tan rã, những chiếc "đĩa nhạc" X-quang mới bắt đầu vượt ra khỏi biên giới nước Nga.
Đó là vào năm 2012, thời điểm nhạc sĩ Anh Stephen Coates tình cờ mua được một tập phim X-quang có hình dáng giống một đĩa than ỏ một khu chợ trời tại St. Petersburg, khi ông đang cùng band The Real Tuesday Weld của mình có chuyến lưu diễn tại thành phố này.
Stephen Coates, người vén màn bí mật của đĩa nhạc X-quang ra thế giới
Trở về nhà, Coates thử chạy tập phim này trên máy phát đĩa nhạc của mình. Và bất ngờ thay, tập phim đã phát ra những giai điệu trong bài Rock Around The Clock’ của Bill Haley. Lúc đó Stephen Coates mới nhận ra đây không phải là một mặt hàng lưu niệm bình thường, ông lao vào tìm hiểu và sửng sốt khi nhận ra bề dày lịch sử đầy thú vị về tấm phim X-quang hình đĩa than này.
Năm 2014, Stephen Coates sáng lập một dự án nghệ thuật mang tên The X-Ray Audio Project, nơi tập hợp những tư liệu, hiện vật, âm thanh ... của những chiếc đĩa nhạc từ phim X-quang. Coates đã thông qua dự án này để thực hiện nhiều cuộc triển lãm, các buổi diễn thuyết, thậm chí xuất bản nhiều cuốn sách và phim tài liệu kể lại quá trình nghiên cứu công phu của ông đối với những chiếc đĩa nhạc độc nhất vô nhị này. (Bạn có thể xem thêm chi tiết về chúng trên trang chủ của X-Ray Audio Project tại địa chỉ: https://www.x-rayaudio.com/x-rayaudioproject)
Nhờ có Stephen Coates và The X-Ray Audio Project, mà thế giới giờ đây đã được biết đến sự tồn tại của những đĩa nhạc bằng phim X-quang - bảo chứng cho tình yêu âm nhạc, cho ý chí phản kháng và tinh thần Rock n' roll của một thế hệ người dân Liên Xô.
Nguồn: VnRock