Khám phá lò luyện ghi ta rock

TP Hồ Chí Minh là kinh đô nhạc rock của Việt Nam với hàng trăm ban nhạc lớn nhỏ từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư và cả những ban nhạc giao lưu, bè bạn. Các trường nhạc hầu như không đào tạo chuyên nhạc rock, vậy từ đâu ra lượng nghệ sĩ đông đảo cho thành phố phồn hoa? Câu trả lời, đó là những lò luyện nhạc rock.

Không bằng cấp nhưng lại là những người thầy lớn, đó chính là các nghệ sĩ chơi nhạc rock từ trước 1975, chính họ là những ông thầy dẫn dắt nhạc rock TPHCM cho đến tận ngày nay. Một nghệ sĩ nhạc rock nói với tôi: “Đến quá nửa nghệ sĩ chơi guitar rock tại TPHCM là học trò thầy Châu Sinco”. Nghệ danh Châu Sinco có sau 1975 nhưng anh Châu là một nghệ sĩ chơi nhạc từ những năm 1970 tại Sài Gòn. Những nghệ sĩ thuộc thế hệ này không chỉ hiểu biết và đam mê nhạc rock mà rất chuyên nghiệp trong biểu diễn.

Anh Châu Sinco được biết như một bậc thầy về dạy đệm hát cho các nghệ sĩ ghi ta đánh trong các ban nhạc. Với mức học phí chỉ mấy trăm ngàn một giờ, không hề cao so với tên tuổi của anh, học sinh có thể học từ thấp đến cao. Song để thành tài không phải đơn giản. Nam, một học trò từng học Châu Sinco nói: “Những tác phẩm thầy Châu dạy rất khó nhưng hay, học trò phải tập trung,  khổ luyện mới thành công”.


Cây ghi ta bass Lý Được chính là nghệ sĩ dạy đàn bass quan trọng nhất sau 1975. Cũng có người nói ít nhất 60% nghệ sĩ chơi đàn bass tại TPHCM là học trò của Lý Được hoặc là hậu duệ kiểu “học trò của học trò Lý Được”. Hiện tại, Lý Được vẫn chơi nhạc, song có lẽ anh được giới trẻ biết nhiều hơn với tư cách một người thầy.

 

Danh Sinco là một nghệ sĩ lớn trong làng nhạc, nhưng anh hầu như không dạy học trò đại trà mà chuyên chú vào công việc biểu diễn hằng đêm. Anh nói: “Tôi ít nhận học trò. Nhưng tôi cũng có một học trò cưng đang sống và biểu diễn tại Mỹ”.

Âm hưởng mới

Những năm 1990, phong trào rock phục hưng tại TPHCM. Những chàng trai để tóc dài, quần rách không còn bị lo sợ khi đi ngoài đường mà họ chiếm lĩnh các sân khấu với nhiều ban nhạc như Da Vàng, Đen Trắng, Sinco band… Giờ đây, các nghệ sĩ thế hệ này vẫn biểu diễn tại Việt Nam và một số nước. Cũng như các bậc đàn anh trước 1975, thế hệ rock 1990 chuyển dần sang đào tạo học trò.

Ban nhạc Da Vàng từng làm mưa làm gió những năm 1990 giờ mỗi người một phương. Anh Nhã, tay trống kỳ cựu qua đời vì bệnh tật. Nguyễn Đạt đi nước ngoài. Nhưng “dòng máu” của Da Vàng vẫn lưu truyền vì tay ghi ta Hoàng Tuấn rất mê giảng dạy, hiện có rất nhiều học trò xuất sắc. Trong các cuộc giao lưu ghi ta tại TPHCM, người ta thường thấy Hoàng Tuấn đem theo cả chục đệ tử, họ cùng nhau chơi chung những bản nhạc như “Bèo dạt mây trôi” hay các tác phẩm tự sáng tác. Nhiều học trò của anh theo nghiệp thầy, lập các ban nhạc rock trẻ tại Sài Gòn.

Cây đàn bass Minh Quang, (biệt danh Quang bass), từng chơi trong ban nhạc của nhạc sĩ Quốc Dũng trước đây, lại chuyên dạy bass trên internet. Những clip anh đưa lên có hàng chục ngàn lượt xem, là hiện tượng hiếm của nghệ sĩ chơi bass. Nhiều người nói rằng Quang Bass có hàng ngàn học trò qua internet.

Phả hệ các trường phái

Có thể dễ dàng lập ra các phả hệ ghi ta rock Sài Gòn dựa trên các lò luyện mà những người thầy tạo ra. Từ các người thầy “sư tổ” ban đầu, các bậc sư huynh lại thiết lập ra các phong cách mới, hợp thời hơn. Nếu như phả hệ Châu Sinco chuyên về nhạc rock ngoại thì phả hệ của Hoàng Tuấn thiên về sử dụng ghi ta để chơi các tác phẩm Việt Nam. Nếu thế hệ Lý Được chú trọng đến hòa âm và sự tròn trịa trong âm thanh thì thế hệ Quang bass không ngại cách tân âm thanh,  đưa vào nhiều kỹ thuật biểu diễn, độc diễn.

Ở TPHCM, hiếm khi ta nghe một nghệ sĩ ghi ta nói rằng: “Tôi không học ai, tôi tự học”. Phần lớn họ đều là học trò của một nghệ sĩ nào đó, thậm chí có người là học trò của nhiều bậc thầy khác nhau. Hồ Quang Hưng, một nhà phê bình âm nhạc nói: “Nhạc rock ít được giảng dạy tại nhạc viện, lớp trẻ đam mê theo đuổi con đường biểu diễn nhờ có sự trợ giúp của các nghệ sĩ tiền bối và các lò đào tạo”. Trên con đường biểu diễn, khi gặp phong cách mới, các tác phẩm mới, hoặc những yêu cầu mà nghệ sĩ trẻ cảm thấy khó khăn, họ sẽ trở về gặp sư phụ của mình để thỉnh giáo, học cách giải quyết khó khăn.

Phía sau hào quang

Các ông thầy tâm sự: “Dạy nhạc là một công việc khá nhàm chán và không phải ai cũng theo đuổi”. Như tay ghi ta Hà Phái Ngọc từng ra Hà Nội đệm đàn cho Quang Vinh và Hồng Nhung tác phẩm “Lời của gió”, từ đó đến nay hầu như không dạy ai. Ngược lại, bạn thân của anh là Phương Yoko lại dành hầu hết thời gian rỗi dạy ghi ta. Nghệ sĩ Quốc Dũng chỉ dạy cho 2 con của mình để chuyên tâm sáng tác, trong khi Quang bass có hàng trăm học trò.  

Chương trình Bài hát Việt, Giọng hát Việt, khán giả quá quen với nghệ sĩ solo ghi ta tài hoa Lê Ngọc Đăng Khoa. Nghệ sĩ này được biết đến là cựu sinh viên ghi ta của Nhạc viện TPHCM. Nhưng ít ai biết Khoa xuất thân từ nhạc cổ điển và người thầy ngoài nhạc viện của anh chính là nghệ sĩ Phương Yoko thành viên của ban nhạc “4 quả dừa” những năm 1990. Hàng chục năm nay, Phương Yoko vẫn theo sát công việc biểu diễn của người học trò cưng, mà ít ai nhìn thấy ông thầy đứng trên sân khấu. Công việc của Phương Yoko là nghiên cứu cái mới để cập nhật cho học trò còn anh biểu diễn ở những tụ điểm rock hầm ít người biết. Hào quang sân khấu các ông thầy dành hết cho học trò.

Nghệ sĩ rock Trung Thành Sago nói: “Tôi ước tính TPHCM hiện có khoảng 120 ban nhạc rock các loại. Chúng tôi thường tạo sân chơi cho các bạn bằng cách tổ chức các điểm biểu diễn, các cuộc festival”.  

Top