Với đoạn trailer The Matrix: Resurrections vừa được ra mắt và đang được truyền tai khắp giới mộ điệu, chúng ta cùng nhìn lại cách bộ phim gốc, The Matrix, được đặt ở một vị trí hoàn hảo như thế nào để song hành cùng cuộc cách mạng Nu Metal.
Được phát hành vào năm 1999, Ma Trận là một bước ngoặt trong mảng điện ảnh hành động của Hollywood. Nó cũng hoàn toàn tương đồng với sự trỗi dậy - và thống trị tạm thời - của một hiện tượng văn hóa bất ngờ khác: Nu Metal. Các chủ đề của bộ phim về sự hoài nghi đối với xã hội, thể hiện chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa chống chuyên chế cũng là nền tảng trong lời ca được nhiều band viết ra suốt những giai đoạn tiến hóa ban đầu của Nu Metal.
Cho dù đó là cái cách Jonathan Davis từ từ đâm những nọc độc vào đoạn “All my life/Who am I?” nổi tiếng trong bài Faget của Korn (viết về việc bị bắt nạt ở trường học và bị xã hội ruồng bỏ), hay sự tức giận bộc phát từ Chino Moreno trong 7 Words của Deftones (được viết ra để đẩy lùi cảm giác bị áp bức đến từ xã hội rộng lớn mà cậu thiếu niên Moreno phải chịu đựng), Nu Metal đã sử dụng những chủ đề này như một phần bản sắc cốt lõi của nó. Có nghĩa là, khán giả Nu Metal đã nắm rõ thông điệp của The Matrix từ lâu trước khi phim ra rạp.
Tuy nhiên, những điểm tương đồng không dừng lại ở đó. Cũng giống như Nu Metal không tự nhiên được hình thành hay trở thành một dòng nhạc hoàn toàn riêng, bản thân The Matrix cũng đã được định hình bởi những người tiền nhiệm từ thập kỷ trước. Cũng như Heavy Metal, điện ảnh hành động đạt đến đỉnh cao về mặt thương mại vào những năm 1980s. Những cái tên khổng lồ như Arnold Schwarzenegger và Sylvester Stallone - tất cả đều đảm bảo thành công thương mại cho bộ phim, nhưng bên dưới bề mặt đó là cảm giác trì trệ, khi các bộ phim phải vật lộn để tìm ra những cách mới để làm nổ tung các tòa nhà/ rừng rậm/ ô tô, mà vẫn giữ cho mọi thứ thú vị .
Vào cuối thập kỷ đó, phim hành động vẫn có vị trí quan trọng, nhưng đang dần mất đi sự thống trị trong văn hóa đại chúng. Năm 1988, Die Hard trình làng một bước ngoặt mới về công thức; John McClane đã thay thế những cỗ máy giết người bất tử như Rambo hoặc John Matrix (không liên quan đến phim The Matrix) và thêm vào những yếu tố mà sau này trở thành đặc trưng cho phim hành động, từ đó Die Hard đã tự phát minh lại phim hành động trong một thập kỷ nữa, trước khi nó tiếp tục đi hết một vòng đời, lại trở nên lỗi thời và là lúc Ma Trận tái tạo lại điện ảnh hành động, một lần nữa.
Nếu điều đó nghe có vẻ quen thuộc, đó là vì nó cũng mô tả một cách khá chính xác quá trình ra đời chậm chạp của Nu Metal. Sự thống trị về thương mại của Heavy Metal trong những năm 80 cuối cùng đã bị lật đổ bởi sự ra đời của các dòng Alternative - có ai còn nhớ một ban nhạc nhỏ tên là Nirvana không? – và những cái tên như The Real Thing của Faith No More, Vivid của Living Colour và Nothing’s Shocking của Jane's Addiction đã mở ra một con đường cho Metal tự tái tạo trong thập kỷ tiếp theo. Trong khi tất cả mọi người từ Carcass đến Faith No More đều tuyên bố mình có vai trò khai sinh ra thể loại này, sự thật là Nu Metal là một phần của chuỗi tiến hóa rộng lớn hơn nhiều trong Heavy Metal và Hip-hop vốn có truyền thống tiếp nối mạnh mẽ từ hầu hết những người đi trước - Từ những band kinh điển trở thành tiền đề của xu hướng này như Rage Against The Machine, Helmet hay Ministry, cho đến thậm chí những band công khai coi thường thể loại mới như Nine Inch Nails hay Slayer.
Tương tự, The Matrix không hoàn toàn là một hình thái mới của điện ảnh hành động. Thay vào đó, nó đã dựa trên mọi thứ, từ điện ảnh Hồng Kông cho đến những bộ phim khoa học viễn tưởng như Johnny Mnemonic (cũng do Keanu Reeves thủ vai chính) và Total Recall, khai sinh ra trường phái phim hành động 'hack não' như Minority Report, Inception và Tenet, nơi họ xen kẽ những vụ nổ các tòa nhà /địa danh /ô tô bay… với những tâm tư về nhân loại và bản chất của hiện thực.
Tuy nhiên, để mà nói về lí do trực tiếp, The Matrix là sản phẩm của những cảm giác lo lắng, hoài nghi về xã hội trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Sự thoải mái vô tâm là một nhân vật phản diện từng xuất hiện rộng rãi trong điện ảnh những năm 90s. Sau những cuộc chiến tranh liên miên, thế giới lúc này thiếu đi những sự kiện tồi tệ quy mô lớn, và nhường chỗ cho những lo lắng về sự yếu đuối trong cá tính, về những sự tồn tại vô nghĩa, những cuộc đời không có dấu ấn, trong khi các chuẩn mực xã hội đang thay đổi nhanh chóng. Từ Office Space đến Fight Club cho đến chính The Matrix, các bối cảnh văn phòng kiểu cubicle đã được sử dụng một cách hiệu quả như một phương tiện có thể dễ dàng chứng minh mọi người đã đánh mất cá tính của mình, trở nên chán nản và mất kết nối với thực tại, một cá tính không đại diện cho họ.
Đổi lại, văn hóa Alternative đã trở thành một phương tiện trực quan cho sự nổi loạn chống lại điều đó. Khi được nhắc đến và mô tả trên TV và phim, nó thường tập trung vào các nhân vật ở rìa xã hội, bị ruồng bỏ bởi bất kì lí do gì; những người thường giữ ý thức về bản sắc cá nhân và gạt bỏ đi những lớp mặt nạ thảo mai. Mọi người đã quen với việc văn hóa đại chúng của họ được phục vụ với một liều lượng vừa đủ của nỗi lo lắng và sự vỡ mộng – và với sự trỗi dậy của Nu Metal, bối cảnh không thể được thiết lập tốt hơn.
Mặc dù các nhân vật mang những nét điển hình của văn hoá Alternative hiếm khi là nhân vật chính theo đúng nghĩa của họ - thường được xếp vào tuyến phụ như những kẻ bắt nạt, bạn bè, những nhân vật vừa cười đùa xong lăn ra chết, hoặc những nạn nhân đáng thương chống lại thế lực thống trị - The Matrix đã rút ngắn khoảng cách bằng cách xây dựng thẩm mỹ về tạo hình để người hâm mộ dễ nhận biết trong khi vẫn không xa lánh công chúng. Thiết kế trang phục phản ánh trực tiếp điều này; bộ quần áo công sở ngột ngạt của The Agents so với bộ đồ da khoẻ khoắn toàn màu đen của Neo và hạm đội Nebuchadnezzar, các nhân vật chính trông giống như họ bước ra từ phim trường của một video ca nhạc cuối những năm 90 hơn là những ngôi sao hành động thập niên 80.
Và tất nhiên, phải nói đến nhạc phim. Bản thân việc sử dụng các bài hát metal trong phim The Matrix không trở nên quá đáng nhớ như bản phát hành chính thức nhạc phim The Matrix: Music From The Motion Picture, nhưng Metal (và các thể loại Alternative khác) vẫn tạo được dấu ấn trong phần âm nhạc của phim. Trong phim, bản techno-remix bài Dragula của Rob Zombie đánh dấu bước đột phá đầu tiên của Neo trong việc tìm hiểu chính xác Ma trận là gì, khi anh ấy đến thăm một quán rượu, nơi vẫn tồn tại trong tâm trí của nhiều metalhead như một câu lạc bộ lý tưởng của họ.
Về cuối phim, khoảnh khắc hạ màn được hỗ trợ bởi âm thanh sấm sét từ bản Wake Up của Rage Against The Machine - một ví dụ về 'tên bản nhạc phim thích hợp nhất' kể từ khi phim American Werewolf in London đi kèm với những bài như Bad Moon Rising, Moondance, v.v. . Những khoảnh khắc này rất ngắn ngủi, nhưng bất kỳ ai quan tâm đến nhạc phim, đều được chiêu đãi một bữa tiệc âm nhạc techno cùng những bản industrial metal, bao gồm cả Ministry, Deftones, Rammstein và The Prodigy, củng cố thêm chủ đề 'con người vs máy móc' chạy xuyên suốt bộ phim .
Từ những kẻ ngoài cuộc, trở thành phản anh hùng trong điện ảnh nhờ The Matrix, Nu Metal đồng thời đưa lên một loạt ngôi sao hoàn toàn mới khi những người như Jonathan Davies, Chino Moreno và (sau này) Corey Taylor chào tạm biệt vị thế người ngoài cuộc của họ, và tiến lên một cách tự hào, mời gọi những người khác tập hợp lại dưới lá cờ của những kẻ kì dị. Trong cả điện ảnh và âm nhạc, những nhà tân vô địch thường là những kẻ bị đánh giá thấp, hay né tránh và bị ruồng bỏ, cho đến khi họ tìm được cách thành công, bất chấp xã hội. The Matrix chuyển thể điều này thành một cuộc chiến giành tự do, chống lại những thế lực thống trị.
Khi phát hành, The Matrix đã khiến tất cả mọi người phải chú ý, vì vậy chắc chắn bộ phim đã ít nhiều truyền cảm hứng cho văn hóa đại chúng và ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thời trang đến bản thân Nu Metal. Mặc dù không ngừng bị sao chép, sửa đổi và nhại lại, chủ đề bao quát của bộ phim về việc chiến đấu chống lại việc bị đưa vào một cỗ máy khổng lồ (dù là nghĩa đen hay nghĩa bóng) đã tạo nên hình thái cho các ban nhạc Nu Metal thời kỳ đầu, và phép ẩn dụ này còn được sử dụng trong Industrial, Progressive, Thrash Metal, và cả những dòng ngoài Metal...
20 năm kể từ bản gốc, thật khó để tưởng tượng phần mới nhất trong loạt phim, The Matrix: Resurrections (Ma Trận: Hồi Sinh), sẽ dựa trên tông phim và thẩm mỹ của phần đầu tiên, ngay cả khi Nu Metal cũng đang tự “hồi sinh” . Nhưng điều đó không sao cả: một phần sức hấp dẫn của phần đầu, là nó gắn liền hoàn toàn với một thời điểm và thời kì văn hóa cụ thể, rõ ràng không nên tái sử dụng những ý tưởng mình từng khai thác chỉ để cố gắng bấu víu lấy một chút sự liên kết.
Nói chứ, thực ra The Matrix 4 nên mời Korn, nhìn các anh điều khiển đạn điêu luyện như thế này cơ mà: