NU METAL QUA 14 BÀI HÁT

Từ khởi đầu tuyệt vời cho đến thành công vang dội, đây là 14 cột mốc trên hành trình Nu Metal thay đổi thế giới

 

Trong suốt 2 thập kỉ 1990s và 2000s, Nu Metal đã là thế lực thống trị giới nhạc nặng. Đối với thế hệ Gen Y, các ban nhạc như Korn, Limp Bizkit, Deftones, Slipknot và Linkin Park luôn nằm trong top 10 band bán được nhiều đĩa nhất, headliner của những concert ở sân vận động, và làm được nhiều điều lớn lao khác nữa. Cho đến ngày nay, tầm ảnh hưởng của nó vẫn vang vọng đến những band thế hệ sau như Bring Me The Horizon, Parkway Drive và Architects. Nói chung là, có nhiều chuyện để kể. Và không có cách kể chuyện nào phù hợp hơn là điểm qua 14 bài hát quan trọng nhất của dòng nhạc, qua đó thấy được sự phát triển của Nu Metal

 

Bài viết của Kerrang!, dịch bởi Bụi Store

 

1. Anthrax & Public Enemy – Bring The Noise (1991)

 

 

Bạn tưởng tượng hai thứ đáng lẽ không thể hoà hợp, kiểu như nước và dầu: một trong Big Four của Thrash Metal, Anthrax ở một đầu; ở tít đầu bên kia là nhóm nhạc hip-hop tiên phong, Public Enemy. Và cũng cần phải nhớ rằng, vào thời kì này, bức tường ngăn cách giữa Metal và Hip-hop, cả về mặt âm nhạc và thái độ của người hâm mộ, khó khăn hơn bây giờ rất nhiều. Nhưng trái đất tròn, sân chơi âm nhạc thì cũng bé bé thôi. Khi mà cả hai nhóm đều đi lên từ đường phố New York, đều sẵn sàng thử nghiệm, đều “bring the noise”. Vậy nên, sau khi được Anthrax shoutout, cụ thể là guitarist Scott Ian đã mặc merch của mình trên sân khấu, Public Enemy đã kết hợp cùng Anthrax để làm lại bài hát từ năm 1987, theo phong cách Metal (với câu riff mà về sau Scott đã thừa nhận là lấy từ bài Warning của Black Sabbath, chỉ đẩy tempo lên). Có người ghét, có người thích, và dù không phải lần đầu Rock và Rap trộn lại với nhau, nó đã cho thấy sự kết hợp này có thể nặng đến mức nào, và tiềm năng của nó. Kể từ đây, hàng triệu hạt giống bắt đầu được gieo mầm.

 

2. Rage Against The Machine – Killing In The Name (1991)

 

 

Ngoài việc có lẽ là bài hát vĩ đại nhất từng được viết ra về chủ đề phân biệt chủng tộc và việc tư tưởng đó đã ăn sâu vào lực lượng cảnh sát, Killing In The Name cũng giúp những người tiên phong trong dòng nhạc có những cái nhìn sơ lược, như một trong những cột mốc lớn đầu tiên của Rap Metal. Dù guitarist Tom Morello là một fan cứng cựa của Iron Maiden và Van Halen, trong Killing In The Name chúng ta thấy được cái cách anh biến đổi dòng nhạc theo một hướng mới, dù vẫn là nền tảng Metal. Với phong cách Bedrock, nặng nề và có nhịp điệu, Killing In The Name như thể một con beat funky dễ dàng đung đưa theo, dù hơi bạo lực. Cùng với phần lời đầy giận dữ của Zack de la Rocha, tiềm năng của kiểu nhạc như thế này ngày càng được lộ rõ. Chèn thêm mấy câu chửi thề hoa mỹ, và cơ bản chúng ta đã nhìn được bức tranh toàn cảnh của thập niên 1990s.

 

3. Korn – Blind (1994)

 

 

Kể cả đã được mở đường bởi RATM và Anthrax, khi album debut self-titled của Korn ra mắt năm 1994, nó vẫn khá độc đáo và là một thứ chưa từng có trên thị trường. Thực tế nói đúng ra là cũng chẳng có ai như Korn thật. Mặc bộ đồ thể thao Adidas, tóc dreadlock và, Jonathan Davis “như một ca sĩ trong hình hài con scarecrow” (trích lời guitarist Munky Schaffer). Dù cho đó là năm 1990s, với những tiêu chuẩn của dòng Alt Rock và Grunge thì những điểm trên đều không phải những gì bạn kì vọng vào một Rock band. Đó mới là vẻ bề ngoài. Khi bạn bắt đầu nghe album của họ, tiếng cymbal mở đầu, những hợp âm kì cục, những câu riff quái vật từ cây guitar 7 dây, rồi Jonathan gầm lên ‘Are you ready?!’ – Tất cả đều mới mẻ. Grunge cũng có những nét tương đồng, nhưng không lạnh người như thế này. Metal vào lúc đó cũng đã khá nặng và dính, nhưng cũng không theo kiểu này (tay chơi guitar 7 dây đáng chú ý nhất thời điểm đó là Steve Vai). Khi một người nói rằng thập niên 90s đã giết chết Metal, ý họ hẳn là nó đã cắt tóc, rời khỏi gốc rễ hào nhoáng lấp lánh khi xưa, rồi trở nên bụi bặm, đường phố hơn. Metallica, Pantera và Sepultura đều duy trì được, chính là vì họ đã thay đổi theo hướng đó. Đối với Korn, đây là bước chạy đà hoàn hảo, và với Blind, họ bắt đầu cuộc hành trình trở thành một trong những band có tầm ảnh hưởng lớn nhất thập kỉ.

 

4. Deftones – My Own Summer (Shove It) (1997)

 

 

Deftones thường từ chối nhận là Nu Metal, và cũng không thể phủ nhận là ban nhạc cool hơn, nhìn đẳng cấp và bí ẩn hơn những band cùng thời. Trong cái giới nhạc mà các band trông như mấy gã hút cần ở sân trượt ván, thì Deftones chính là mấy gã hút cần ở sân trượt ván. Bởi vậy, band có cảm giác bớt xù xì gai góc hơn. Ngoài ra họ còn có 1) những câu riff hàng đầu và 2) một giọng ca khá đỉnh và có tài năng trong việc viết những đoạn điệp khúc. My Own Summer (Shove It) đã một bước đi vượt trội của họ, trở thành một bản hit với chiếc MV đầy băng giá (mùa hè cơ đấy), quay cùng mấy con cá mập, và đưa Deftones lên vị thế mâm trên trong phong trào Nu Metal. Một sự thật thú vị là, câu riff trong bài này được Tony Iommi của Black Sabbath khá ưa thích. Ngoài ý nghĩa là sự chấp thuận của một trong những riffman vĩ đại nhất, nó cũng cho thấy một khía cạnh khác của Nu Metal – mộng mơ, sâu sắc, epic song hành cùng với những sự giận dữ và niềm đau.

 

5. Korn – Freak On A Leash (1998)

 

 

Thật khó để có thể miêu tả hết sự lớn mạnh bất thường của Nu Metal vào cuối những năm 90s. Bất chấp được tạo ra từ giữa đống rượu chè (Jonathan Davis luôn đeo một chiếc bình chứa đầy Jack Daniel ở quay cổ, trong suốt quá trình thu âm), ma tuý (Jonathan Davis luôn từ chối thu âm cho đến khi nhà sản xuất Toby Wright mang cho anh thật nhiều cocaine) và tình dục (Jonathan Davis xác nhận rằng luôn có những người làm chuyện ấy ngay tại studio khi anh đang làm việc), album thứ 3 của Korn, Follow The Leader, đã phi thẳng tới vị trí số 1 tại U.S., gần như ngay lập tức được chứng nhận bạch kim. Vẫn có những bài gầm gào như It’s On hay rùng rợn như Dead Bodies Everywhere, nhưng cũng có những bài thực sự cảm xúc. Freak On A Leash miêu tả sự kì quặc trong con mắt của band, khi họ cũng không hiểu bằng cách nào ban nhạc như Korn trở nên phù hợp với các chương trình radio, và chiếc MV ảo ma như phim The Matrix của nó, đã liên tục được chiếu trên MTV. Đó là một dấu hiệu ban đầu, cho thấy sự thành công lớn có thể đạt được nếu bạn cân bằng sự dơ bẩn và nhẹ nhàng với một lượng vừa đủ.

 

6. Limp Bizkit – Break Stuff (1999)

 

 

Nếu Deftones đại diện cho mặt sâu sắc của Nu Metal, thì Limp Bizkit đại diện cho thứ… hoàn toàn ngược lại. Bất chấp việc có một tay guitar thực sự xuất sắc và cấp tiến, Wes Borland, người mà với tầm nhìn của anh dành cho ban nhạc của mình thì đáng lẽ phải ngang hàng với Primus, Faith No More và Mr. Bungle, thì Limp Bizkit đã – và vẫn tiếp tục – cho thấy một bộ mặt cục súc, với những suy nghĩ bằng nắm đấm của Nu Metal. Nhưng mọi người thường bỏ qua một điều, rằng Limp Bizkit cơ bản là như đội tuyển Anh năm 1966. Ở đây là về sự độc đáo. Không band nào đem được cái không khí quẩy sập sàn như họ. Cũng không band nào có thể làm bạn khó chịu đến như thế. Và, thực sự mà nói, không band nào vui vẻ hề hước được như vậy.  Break Stuff đã giúp họ phá vỡ nhiều thứ, trong đó có việc phá vỡ những giới hạn trong giới Metal, bằng những câu riff trực diện, những đoạn drop cục súc, và một MV suốt ngày được chiếu trên MTV với sự xuất hiện của Jonathan Davis, Flea, Roger Daltrey và thậm chí cả những Rap megastar như Snoop Dogg, Eminem và Dr. Dre. Band nhạc đã có những người hâm mộ là người nổi tiếng, và cả người hâm mộ của những người nổi tiếng đó. Tất cả, ít nhiều đều có tác động tới dòng Nu Metal mà band theo đuổi.

 

7. Slipknot – Eyeless (1999)

 

 

Vào năm 1999, khi album debut self-titled của Slipknot phát hành được một tháng, đây là thời điểm 9 gã điên bắt đầu bùng nổ. Nhà sản xuất huyền thoại của Nu Metal, Ross Robinson đã tạo ra dự án hoàn hảo mang tên Slipknot, một ban nhạc có thể chịu đựng hoặc thậm chí yêu thích cách quản lý nhân sự điên khùng của ông (ném chậu cây vào thành viên đang chơi nhạc, bắt họ chạy lên xuống một ngọn núi để làm nóng máu khi họ than thở mệt mỏi), và quan trọng nhất là ông nắm bắt được chất bạo lực của ban nhạc một cách hoàn hảo. Với phong cách phối mang hơi hướng Death Metal, Slipknot trở nên tàn bạo tuyệt đối, và Eyeless, với câu riff mang màu Carcass, những tiếng gầm uy lực và đoạn intro drum’n’bass nhức nách, không thể có một bước chạy đà hoàn hảo hơn đến từ vị trí của Slipknot.

 

8. Incubus – Pardon Me (1999)

 

 

Giờ đến lượt cho một thứ hoàn toàn khác. Hoặc, ít nhất, là có một chút thông minh hơn trong cách xử lý. Nu Metal ngày càng phát triển, đặt ra một chuẩn mới khi nghệ sĩ và người nghe đều rất nhẹ nhàng và thản nhiên thốt ra những từ “faggot” hay “bitch” hay những từ khác, như thể máu của họ lúc nào cũng sục sôi. Incubus thì không như vậy. Được dẫn dắt bởi một tay cần thủ hippie bay bổng và xem trọng tính nghệ thuật, Brandon Boyd, và với thứ âm nhạc cũng theo khuynh hướng tương tự, tập trung vào cảm xúc, bộ tứ đến từ California đã chọn một con đường hoàn toàn khác so với những band trâu bò cùng thời. Pardon Me nghe khá sang xịn mịn, với những yếu tố đen tối, bi quan thường thấy của Nu Metal phát triển thành những tâm tư về sự mệt mỏi trong cuộc sống. Chưa nói đến đoạn điệp khúc xuất sắc.

 

9. Linkin Park – One Step Closer (2000)

 

 

Gần như thành một truyền thuyết, về cách mà Linkin Park cơ bản trở thành lãnh đạo của phong trào sau khi Hybrid Theory ra mắt 20 năm trước. Chỉ ngay trước đó họ còn là những chàng trai liên tục bị nhiều hãng đĩa từ chối, để rồi sau đó tên tuổi họ vang đến khắp mọi nơi. Có thể khi đó nó đã vuột mất vị trí số 1 tại Billboard 200, nhưng về sau này lại trở thành album debut bán chạy nhất kể từ Appetite For Destruction của Guns N’ Roses, và là album Rock bán chạy nhất thế kỉ 21. Như đã nói ở trên, ảo như một câu chuyện truyền thuyết. Với nhiều người, cánh cửa dẫn họ đến với Linkin Park là qua One Step Closer cùng quả MV huyền bí của band, và dù có nhiều tin đồn về việc ban nhạc đã đi đêm, gian lận (chủ yếu là không thể nào giải thích nổi doanh số bùng nổ của album này, ngoài câu ‘thì người ta thích thì mua thôi’), sự thật là đây là một sự hội tụ của thiên thời địa lợi nhân hoà. Một ban nhạc tài năng, vào thời điểm thích hợp, tung ra một ca khúc hay. Cũng giống như cách mà Korn và Limp Bizkit khai phá thêm tiềm năng của dòng nhạc, Linkin Park đã trình làng một công thức mới, khi họ hiểu rõ bản thân có thể làm được những gì và hướng đến những điều xa hơn nữa. Từ đây nhiều ban nhạc cũng định hướng sản xuất ra những ca khúc phù hợp hơn với radio và TV, bắt chước một cách hời hợt cái cách mà Linkin Park đã cô đọng lại tính nặng của dòng nhạc, để thành một thứ dễ tiếp cận hơn. Tuy nhiên, dù chỉ cách một bước, cũng chẳng có band nào làm được như họ cả.

 

10. Disturbed – Down With The Sickness (2000)

 

 

Đã từng có thời điểm Disturbed chỉ cần hắt xì là bán được ngay 3 triệu bản album. Công thức nhạc lúc đó theo hướng đứa con của nhạc nặng và nhạc chơi ở radio/ sân vận động, một phong cách mà vào thời điểm đó hiệu quả hơn trước rất nhiều. Disturbed đã nắm bắt được nó một cách vô cùng tinh vi và kĩ xảo, với Down With The Sickness. Dù câu ​‘Wa-ah-ah-ah’ của David Draiman trở thành trò cười của một số người, và lấy đó làm biểu tượng của sự đi xuống của dòng nhạc, thì thực tế ban nhạc vẫn phát triển vượt trội sau đó, và ca khúc trở thành bắt buộc ở những Rock club khắp quả đất này. Thì bởi vì nó hay, thế thôi.

 

11. Kid Rock – American Bad Ass (2000)

 

 

Giờ đây, với tư cách là một người bạn của Donald Trump và từng tuyên bố từ chối tin vào sự tồn tại của coronavirus, thật dễ để quên rằng chủ nghĩa dân tộc của Kid Rock cũng từng là một thứ đáng theo dõi. Với một sự tự tin có thể lấn át cả David Lee Roth, những sự ồn ào, hay nói thẳng ra là huyên hoang, trong âm nhạc của Kid trở thành một trò cười vì sự ngớ ngẩn ở nhiều mức độ. Trong American Bad Ass, khi câu riff trong bài Sad But True của Metallica vang lên, nếu để ý có thể nghe thấy Bob Richie khoe mẽ về việc anh “có 7 chứng nhận bạch kim”, trước khi nhận luôn là ‘It stinks in here ​’cause I’m the shit’, vui đấy chứ. Đúng là, bài hát này dựa dẫm vào việc dùng câu riff của người khác và nhạc này chỉ thích hợp để nghe khi ăn barbeque/ xem đấu vật/ đi săn/ lái xe tải quái vật đi làm. Nhưng bỏ qua mấy chuyện nghiêm túc, với một ông thần như Kid, bạn vẫn có thể thưởng thức nó.

 

12. Papa Roach – Last Resort (2000)

 

 

Với một câu lick như Iron Maiden, những cú dậm chân của voi, và lyrics mà bạn có thể đem đi xịt bậy lên tường, Last Resort hội đủ yếu tố để trở thành quốc ca của Nu Metal. Gần như không tốn một giọt mồ hôi, bài hát đã biến Papa Roach thành một trong những Metal band lớn nhất nước Mỹ, khi album Infest đã bán được 2 triệu bản trong chớp mắt và đưa ban nhạc lên mâm trên. Ngoài ra nó cũng giúp frontman Jacoby Shaddix trở thành một biểu tượng, một người luôn bộc lộ hết cảm xúc của mình cho mọi người thấy, nhưng đồng thời cũng luôn chân thành cố gắng giúp đỡ và lắng nghe người khác. Cho đến ngày nay, liệu bài hát này vẫn còn được phát ở các club vào lúc 2 giờ sáng hay không vẫn còn là một câu hỏi.

 

13. Drowning Pool – Bodies (2001)

 

 

Bạn có thể nghe thấy bức tranh này: Nhìn vào tấm ảnh một đô vật chuyên nghiệp bất kì và Bodies bắt đầu chạy. Không thường được nhắc đến trong làn sóng Nu Metal, đặc biệt thời kì sau năm 2000 khi mà số lượng band sinh ra nhiều đến nỗi các hãng đĩa không kí sao cho xuể (điểm danh nào, Taproot, Soil, American Head Charge), nhưng Drowning Pool vẫn có những nét đặc sắc của riêng họ, về mặt tích cực. Bodies được xử lý khá trực diện. Bạn tưởng tượng nó như buộc một cái máy ủi vào quả wrecking ball, mục đích là đập đổ một toà nhà, chứ không bận tâm đến bạn thực hiện nó thông minh hay ngu dốt. Giống như Limp Bizkit, nhưng không có rap, sự giản lược của Bodies là chìa khoá mở ra sự hiệu quả. Tuy nhiên cách chơi này đã không trở thành xu hướng. Thậm chí ban nhạc dưới đây còn chơi khá phức tạp.

 

14. System Of A Down – Chop Suey! (2001)

 

 

Bạn còn nhớ cái thời mà System Of A Down còn là một band như các band khác, làm những chuyện band khác hay làm như ra album và đi tour? Như một thế giới khác vậy. Bắt đầu với nền tảng Nu Metal, dù có hơi khác biệt, với album debut self-titled năm 1998, khi SOAD quay trở lại với Toxicity năm 2001, họ thực sự bay cao qua cả tầng khí quyển, thậm chí có một danh tiếng mà không biết nên tự hào hay không, khi có được vị trí số 1 tại Billboard 200 vào đúng sự kiện 11 tháng 9 (để sau đó Serj Tankian đã nói về sự trùng hợp này trong một bài luận tên là Understanding Oil, cố giải thích nguồn gốc của thảm kịch, và khiến cho hãng đĩa rất đau đầu và phiền lòng). Dù có một sự kiện ngoài lề như vậy, nhưng thực tế chính thứ âm nhạc khó đoán của SOAD đã thực sự đặt họ vào vị trí xứng đáng – với tư cách single mở đường, Chop Suey! như một bài thể dục giàu năng lượng. Ban nhạc cơ bản là từ chối làm một chuyện hai lần, nhảy từ riff sang rhythms nhanh như chảo chớp, và câu gào của Serj “When angels deserve to die” là câu hát biểu tượng bậc nhất của Nu Metal kể từ khi Korn bắt đầu xuất hiện

Top