"AMERICAN IDIOT" LÀ AI?

Hai tuần trước ở bên này là ngày tưởng niệm 11/9, có thể nói là một trong những bi kịch có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mĩ. Không chỉ là “lí do” cho cuộc chiến tranh tại Trung Đông gần 2 thập kỉ qua, mà còn gây ra một sự biến đổi trong văn hoá Mĩ dẫn đến sự ra đời của một trong những single/album rock nối tiếng nhất thế giới. 

Hẳn đọc đến đây các bạn đã đoán được chúng ta đang nói về “American Idiot” của Green Day.

Những người có tìm hiểu về bài hát đều biết nó nhắm đến chính quyền tổng thống Bush đương thời và chính sách hiếu chiến của ông, nhưng đây có đơn thuần là một sự nổi loạn chung chung, hay là một tiếng chuông cảnh báo toàn bộ nước Mĩ về sự thối nát trong hệ thống chính trị hiện thời và sự suy đồi xã hội? Vì sao American Idiot trở thành bài hát dường như thấu cảm hàng triệu người Mĩ và đồng thời khiến hàng chục triệu người khác căm ghét Green Day đến vậy?

Để bắt đầu hiểu bối cảnh của album và bài hát này, đầu tiên chúng ta phải hiểu bối cảnh nước Mĩ hậu 11/9 – chính xác hơn là cái cách mà chính quyền Bush và giới truyền thông đã phản ứng sau vụ tấn công. Bush ngay lập tức mở đầu bài phát biểu của mình rằng”công dân, sự tự do, và lối sống của chúng ta đã bị tấn công,” ca ngợi Mĩ là số một thế giới và vẽ ra hình ảnh những kẻ khủng bố đáng sợ khắp nơi muốn đánh bom, tàn sát, và tẩy xoá thành tựu văn hoá của họ – đây sẽ là một thái độ chính trị được thể hiện qua chính sách của ông cũng như định hướng truyền thông Mĩ kể từ đó.

Nếu các bạn đã từng đi máy bay, chắc hẳn đã quen với quy trình kiểm tra an ninh: đặt hành lí qua máy quét, đi qua cổng dò kim loại, đôi khi phải cởi giày, không được mang đồ sắc nhọn hay chất lỏng quá 100ml… Dường như đây là một điều rất hiển nhiên để đảm bảo an toàn cho chuyến bay, nhưng thực ra những quy trình này mới chỉ bắt đầu được thực hiện sau vụ tấn công 11/9 và do đó Mĩ thành lập cơ quan TSA (Transportation Security Administration – Cơ quan An Ninh Vận chuyển), với cái cớ rằng việc kiểm tra an ninh hành khách sẽ giảm thiểu nguy cơ khủng bố. Nói rằng “cái cớ” vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc kiểm tra an ninh không những không giúp các chuyến bay an toàn hơn hay loại trừ được đối tượng khả nghi hiệu quả hơn, mà còn gây tắc nghẽn hoạt động sân bay, tiêu tốn hàng tỉ USD ngân sách hàng năm, và các nhân viên TSA thường xuyên xâm phạm quyền riêng tư và sự an toàn của hành khách cũng như phân biệt đối xử họ dựa theo chủng tộc (racial profiling).

Ngoài ra, cuộc chiến với Iraq, hay là “thành quả” lớn nhất của Bush, ngày càng được nhìn nhận bởi các chuyên gia và người dân là một sai lầm to lớn, không chỉ giết chết hàng ngàn lính Mĩ và người dân thường, tiêu tốn hàng tỉ USD ngân sách quốc phòng hàng năm, mà mục tiêu tấn công của nó (chính quyền Saddam Hussein) còn không có sự liên quan nào có thể chứng minh được với tổ chức khủng bố Al-Qaeda. 17 năm sau khi nó bắt đầu, công chúng ngày càng nhận ra rằng đây chỉ là một cái cớ để Mĩ xâm lược và chiếm lấy các vùng giàu dầu mỏ và kiểm soát tình hình phát triển hạt nhân tại đây. Nhưng đó là hôm nay nhìn lại. 17 năm trước, khi cú shock 11/9 còn đang rung động toàn nước Mĩ và thế giới, rất dễ để Bush thuyết phục người Mĩ (và toàn bộ phương Tây) vào một tâm thế cực đoan và thù ghét những “kẻ thù” do chính quyền vẽ nên. Và đó là tâm thế mà Green Day đã lên tiếng chống đối với “American Idiot."

Như vậy thời kì Bush đã bình thường hoá hai điều cốt yếu trong việc hình thành cái mà Green Day gọi là “American Idiot”. Thứ nhất: sự phục tùng đối với hệ thống giám sát người dân 24/7 đến từng ngóc ngách đời tư của họ cũng như phục tùng đội ngũ cảnh sát đàn áp những người bất đồng chính kiến. Thứ hai: sự cực đoan hoá của chủ nghĩa dân tộc mang yếu tố đế quốc của người Mĩ – mọi quốc gia hay dân tộc không theo đạo Thiên Chúa, không sùng bái chủ nghĩa tư bản, không sùng bái vị thế thống trị thế giới của nước Mĩ, thậm chí không phải người da trắng, đều bị gộp chung dưới một danh từ chung chung “kẻ thù” cần phải bị tiêu diệt bằng mọi cách, và chân dung của họ được chiếu đi chiếu lại trên các kênh tin tức/giải trí trên TV mà người dân xem hàng ngày.

(Trong đó tất nhiên có Việt Nam, bởi vì cuộc chiến của Mĩ tại đây không phải chỉ là một cuộc xâm lăng thực dân mà còn là một cuộc chiến về lí tưởng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội/cộng sản trong chiến tranh Lạnh. Cho đến nay vẫn có nhiều người Mĩ nghi ngờ và kì thị người Việt Nam vì họ đã được tuyên truyền suốt nhiều năm rằng nước chúng ta có âm mưu phá hoại và biến nước Mĩ thành một nước cộng sản).

Quá trình bình thường hoá này được Edward S Herman và Noam Chomsky phân tích và tổng hợp thành khái niệm “Manufacturing Consent” (tạm dịch là “Sản xuất sự đồng thuận”) vào năm 1988 trong cuốn sách cùng tên. Theo đó, bộ máy truyền thông Mĩ “là những bộ máy sản xuất lý tưởng rất hiệu quả trong việc truyền bá tư tưởng ủng hộ chế độ hiện thời, dựa vào các thế lực của thị trường, những tiền đề do bộ máy tự đặt ra, và sự tự kiểm duyệt nội dung, mà không cố thuyết phục một cách lộ liễu. “

Ảnh từ tạp chí: Billie Joe chụp cùng thành viên các band The Offspring, NOFX, Joan Jett,... mặc áo "STOP BUSH" kêu gọi cộng đồng punk dùng phiếu bầu đánh bại George W. Bush.

Ảnh từ tạp chí: Billie Joe chụp cùng thành viên các band The Offspring, NOFX, Joan Jett,...

mặc áo "STOP BUSH" kêu gọi cộng đồng punk dùng phiếu bầu đánh bại George W. Bush. 



Như vậy, khi thế hệ người Mĩ sau 11/9 xem TV, đọc báo, nghe đài, họ sẽ thường bị bao vây bởi một viễn cảnh rằng ngay mấp mé biên giới của họ, nhất là ở Trung Đông, luôn có những kẻ thù rình rập muốn đánh bom và lật đổ chính quyền. Sự trình diễn bạo lực và nỗi đau của những “người ngoài” đó, vì thế thay vì gây ra cảm xúc đau buồn, sợ hãi, cảm thông, thì trở nên được tung hô, hay chính là “the sound of hysteria” trong verse 1 của bài hát. Nhà văn và nhiếp ảnh gia nổi tiếng Susan Sontag bình luận như sau trong cuốn “Regarding the Pain of Others”:

“[…] mức độ bạo lực và tàn bạo mà chúng ta chấp nhận trong truyền thông đại chúng đang ngày một tăng cao: phim ảnh, TV, truyện tranh, game. Những hình ảnh mà, 40 năm trước, hẳn sẽ khiến người xem phải rùng mình và thót tim vì ghê tởm, giờ đây được xem mà không chớp mắt bởi mọi thanh thiếu niên trong rạp.” Bạo lực và nỗi đau, theo Sontag, không phải lúc nào cũng khiến người ta động lòng. Khi xem quá nhiều những hình ảnh này mà không thể làm gì để thay đổi nó, khán giả trở nên chai lì và dường như mất đi sự thương cảm hay phẫn nộ mà đáng lẽ sẽ thôi thúc họ hành động để chấm dứt nó, hay như bài hát miêu tả: “All across the alien nation, where everything isn’t meant to be okay."

Ngoài ra, những người không bị cuốn theo tư tưởng “ta chống lại nó” này cũng bị gộp vào nhóm “kẻ thù,” như cách Billie Joe mỉa mai tự gọi mình là “faggot America” trong verse 2. Vậy thì cái “redneck agenda” trong câu tiếp theo là gì và vì sao Billie Joe muốn chối bỏ nó? Nhiều khả năng câu này nhắm đến những thế lực truyền thông tham gia truyền bá chủ nghĩa dân tộc cực đoan nói trên, cụ thể là bài hát đã châm ngòi cảm hứng của “American Idiot.”

Một ngày đầu năm 2003. Green Day lúc này bị cho là đã hết thời, bởi “Dookie” là đỉnh cao thành công của họ và các fan ho rằng họ đã “mất chất.” “Chúng tôi đã cân nhắc việc giải tán band,” Mike Dirnt nói, “ lúc đó chúng tôi suốt ngày cãi vã và thấy rất khổ sở với nhau." Và nước Mĩ vẫn đang bị mê hoặc bởi kế hoạch “trả thù” những kẻ đã gây ra vụ thảm sát 11/9. Billie Joe Armstrong đang lái xe trên đường thì bỗng nhiên đài radio bật “That’s How I Like It” của Lynyrd Skynyrd – một bài hát có lẽ không thể tiêu biểu hơn của chủ nghĩa dân tộc mù quáng nói trên. Và nó khiến Billie cực kì phẫn nộ. Phẫn nộ đến mức chủ Billie ngay lập tức viết một bài hát đáp trả, và đặt tên nó là “American Idiot.” Mặc dù album trở thành một hit ngày lập tức thống trị các bảng xếp hạng, nó cũng khiến nhiều khán giả Mĩ hết sức tức giận, bởi họ cho rằng chống lại chính sách hiếu chiến của chính phủ Bush lúc này chính là chống lại chính nước Mĩ. Có những show chơi tại những bang cánh hữu như Florida (quê hương của Lynyrd Skynyrd), Green Day bị khán giả hò la phản đối dữ dội. American Idiot dường như hồi sinh Green Day và tạo ra một định hướng mới cho band: dù phần còn lại của album vẫn nói đến cuộc sống của giới trẻ Mĩ, họ sẽ ngày càng viết nhạc có thông điệp chính trị rõ ràng hơn.

Chính trị Mĩ ngay từ lập quốc vốn đã bị phân hoá thành hai phe, nhưng có thể nói 11/9 và chính quyền Bush đánh dấu sự phân cực giữa hai tư tưởng bảo thủ và tự do một cách không có điểm dừng trong thời kì hiện đại, mà đỉnh điểm là việc Donald Trump trở thành tổng thống. Đây là một câu chuyện xuyên suốt qua album Revolution Radio năm 2016: giới truyền thông vẫn mê hoặc dân chúng bằng những hình ảnh bạo lực quân sự Mĩ đại diện cho chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, cực đoan (và nói thẳng ra là phân biệt chủng tộc), và punk vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nguồn:
https://www.rollingstone.com/.../green-day-and-the.../
https://www.kerrang.com/.../green-day-the-inside-story.../
https://www.americanrhetoric.com/.../gwbush911addresstoth....
https://focalizalaatencion.files.wordpress.com/.../herman...
https://monoskop.org/.../Sontag_Susan_2003_Regarding_the...
https://books.google.com/books/about/War_on_Iraq.html...
https://abcnews.go.com/.../exclusive-undercover.../story...
https://www.vox.com/.../1168.../tsa-against-airport-security

Nếu muốn tìm hiểu thêm về chủ nghĩa dân tộc cực đoan, manufacturing consent, và sự bành trướng thế lực quân sự của Mĩ, hãy tìm đọc (xin lỗi tớ không biết nguồn nào tiếng Việt cả, nếu ai biết hãy comment nhé):
Imagined Communities – Walter Benjamin
Capitalism: A Ghost Story – Arundhati Roy
Hegemony for Survival và Requiem for the American Dream – Noam Chomsky
Nothing Ever Dies – Viet-Thanh Nguyen

 

 

 

Top