Cuốn sách không chỉ tái hiện những kỷ niệm lừng lẫy một thời của ban nhạc được mệnh danh là “The Beatles của Sài Gòn” mà còn chia sẻ những hiểu lầm đáng tiếc về ban nhạc trong suốt nhiều năm.
Tập hợp các bài viết mới và những bài đã phổ biến về ban nhạc Phượng Hoàng, cuốn Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles của Sài Gòn của nhiều tác giả thuộc NXB Hội Nhà văn, được xem như một tài liệu đầy đủ giúp khán giả hiểu hơn về ban nhạc rock Việt đầu tiên của Việt Nam. Sách xoay quanh sự trẻ trung, sức khai phóng về ca từ và sự tự tôn tiếng Việt mà Phượng Hoàng đã thổi dấu ấn vào nhạc trẻ Việt Nam thời bấy giờ. Tất nhiên, đi kèm thành công là những khó khăn khi ban nhạc "dám hát Rock" bằng tiếng Việt ở những năm đầu thập niên 1960.
Các thành viên chính của Phượng Hoàng gồm Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Thời gian đầu nhóm còn có Hoài Khanh (giọng nam) và Mai Hoa (giọng nữ), nhưng sau khi rời phòng trà Đêm Màu Hồng đến hát tại Queen Bee và Maxim’s, hai giọng ca này phải rời nhóm. Phượng Hoàng bắt đầu tạo được dấu ấn khi có sự gia nhập của Elvis Phương. Thi thoảng, vì thiếu người, Phượng Hoàng còn có thêm vài thành viên không thường xuyên khác: Văn Hiển - em trai của Nguyễn Trung Vinh.
Bắt đầu hoạt động từ năm 1971, chỉ sau 4 năm ngắn ngủi, với hơn 40 ca khúc tiếng Việt được sáng tác phổ biến, Phượng Hoàng đã bước đầu vẽ nên tâm tư, triết lý và hành vi của một ban rock Việt thực thụ. Không ngoa khi cho rằng chính ban nhạc đã đặt những viên gạch đầu tiên làm nền tảng cho nhạc trẻ Việt Nam. Phượng Hoàng chính thức nghỉ hoạt động vào giữa năm 1975, sau này, dù có những lúc tái hợp nhưng rất ngắn ngủi, manh mún.
Bên cạnh đó, những hiểu lầm đáng tiếc xoay quanh ban nhạc cũng được quyển sách đề cập. Chẳng hạn như, ban nhạc từng bị nhầm lẫn với một chương trình cùng tên phát sóng trước 1975. Sau năm 1975 tên ban nhạc lại tiếp tục bị hiểu nhầm là tên một trung tâm sản xuất và phát hành băng nhạc trùng tên ở hải ngoại. Dẫu không đi sâu vào việc đính chính hiểu lầm nhưng sách sẽ cung cấp những dữ liệu riêng lẻ, để đọc giả gián tiếp nhìn nhận các vấn đề.
Gần nửa thế kỷ sau, tên tuổi của Phượng Hoàng nói chung và Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang nói riêng đã dần được phục hồi. Càng may mắn hơn khi nhiều ca khúc của họ vẫn có sức sống mãnh liệt, liên tục được phối mới trong dòng chảy âm nhạc đương đại.
Một phần doanh thu của quyển sách sẽ được dùng hỗ trợ Nguyễn Trung Vinh - tay trống chính của Phượng Hoàng. Sau tai biến, Nguyễn Trung Vinh hiện đang gặp nhiều khó khăn.