High hopes… With or without you…

Và thế là Dôn tôi đã được gặp Kodaline bằng xương bằng thịt, được thấy họ chơi trên sân khấu Monsoon Music Festival, một lễ hội âm nhạc có thể nói là lớn nhất Việt Nam hiện tại.

Hôm ấy trời thì mưa, sân hoàng thành thì bẩn vì bùn lầy, mấy đứa thấp thì xác định chỉ có nhìn ô mấy đứa đứng trước. Hôm ấy, ông Dốc đi tập band, để tôi đi fest với một ông bạn, chẳng hiểu run rủi ra sao, sắp sang Dublin du học.
Ireland là một đất nước nhỏ, dân số chỉ có chưa đến năm triệu người nhưng đã và đang có những ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc đương đại. Nhạc rock xuất xứ từ Ireland, hay còn gọi là Irish Rock thực sự bắt đầu phát triển vào những năm 1960. Vào thời điểm đó, nền âm nhạc Ireland bị chi phối bởi hiện tượng ‘Showbands' độc đáo của quốc gia này. Showbands là các nhóm nhạc công chuyên nghiệp chơi tại các quán bar và hộp đêm trên khắp đất nước, biểu diễn những 'show' diễn chuyên nghiệp, nơi họ chơi cover tất cả các bản hit từ Mỹ và Anh thời kỳ đó. Trong những năm 1960, đây là cách kiếm cơm duy nhất của những nhạc sĩ chuyên nghiệp ở Ireland, những nhạc sĩ như Rory Gallagher. Rory bắt đầu sự nghiệp âm nhạc của mình với các showband như vậy, nhưng với việc thành lập ban nhạc blues rock Taste, và sau đó là sự nghiệp solo với nhiều thành tựu, có thể nói ông chính là người đưa Irish Rock có mặt trên bản đồ âm nhạc thế giới. Ông còn được nhiều nhà phê bình âm nhạc đánh giá là một trong những tay guitar rock có ảnh hưởng lớn, cụ thể tạp chí Rolling Stone xếp ông ở vị trí 57 trong danh sách 100 guitarist vĩ đại nhất quả đất.
Nửa đầu thập niên 70 chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Irish Rock, với đại diện nổi tiếng Thin Lizzy, một trong những ban nhạc hard rock tầm cỡ quốc tế do Phil Lynott lãnh xướng. Cũng trong thời gian này, một ban nhạc Ireland khác, Horslips, đã phát minh ra một thể loại nhạc rock mới, Celtic Rock, bằng cách phối trộn nhạc hard rock với nhạc truyền thống Ireland, sử dụng những giai điệu từ kèn túi và đàn mandolin. Họ cũng thách thức ý tưởng rằng để một ban nhạc Ireland trở nên nổi tiếng, người ta phải rời khỏi quê hương mình. Horslips đã chọn ở lại Ireland, tạo ra thứ âm nhạc rất nguyên bản, gặt hái được nhiều thành tựu ở quê nhà nhưng tiếc thày chưa bao giờ đạt được những ghi nhận quốc tế mà họ luôn xứng đáng. Tuy nhiên, Horslip đã mở đường cho một ban nhạc khác quyết định ở lại Ireland mà vẫn có thể thống trị thế giới âm nhạc - U2.
U2 có thể nói là ban nhạc rock thành công nhất Ireland, khi họ có những bước tiến vô cùng mạnh mẽ trên thị trường âm nhạc quốc tế vào thập kỷ 80’. Kể từ thời điểm phát hành album “Boy” năm 1980, U2 đã đặt những bước chân đầu tiên trên chặng đường chinh phục rock fan trái đất, để trở thành những “rock stars” đích thực. Giờ đây, trong thập kỷ thứ tư trên con đường sự nghiệp, họ tiếp tục đạt được thành công lớn về mặt thương mại và chuyên môn, với album Songs of Innocence và Songs of Experience. Trong suốt sự nghiệp của họ, U2 luôn giữ vững căn cứ địa của mình ở quê nhà Dublin. Cả ban nhạc, đặc biệt là ca sĩ-nhóm trưởng Bono, cũng rất nổi tiếng vì mối quan tâm về những vấn đề xã hội và sự tham gia của họ vào nhiều hoạt động từ thiện quốc tế.
Những năm 1980 cũng chứng kiến sự nổi lên của The Pogues với lối chơi âm nhạc truyền thống Ireland táo bạo. Một nghệ sĩ Ireland khác đã vươn tới thành công trong những năm 1980 là Sinéad O'Connor. Vào cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90, My Bloody Valentine đã tiên phong cho một phong cách rock mới, "Shoegazing", và lập tức nhận được nhiều phản hồi tích cực từ giới phê bình. Đến nay, My Bloody Valentine được công nhận là một ban nhạc huyền thoại và có ảnh hưởng lớn đến một loạt những nghệ sĩ alternative rock sau này. Một lứa các tay rock Ireland đã đạt thành công trong những năm 1990 bao gồm The Cranberries từ Limerick và The Frames từ Dublin.
Trong thập kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ mới, nền âm nhạc vẫn tiếp tục mạnh mẽ ở Ireland. Ca sĩ-nhạc sĩ Damien Rice đã gặt hái được nhiều thành công và đánh giá chuyên môn tích cực trên toàn thế giới. Một lứa ca sĩ-nhạc sĩ mới bao gồm David Kitt, Damien Dempsey, Paddy CaseyMundy cũng đang làm dậy sóng làng nhạc.
Với nền âm nhạc có bề dày lịch sử và tầm ảnh hưởng đáng kể đến nền âm nhạc toàn cầu, năm 2015, Bảo tàng Trải nghiệm Rock ‘N’ Roll Ireland đã được xây dựng tại vị trí trung tâm khu vực Temple Bar, một không gian văn hóa nổi tiếng ở Dublin, với sứ mệnh trở thành một địa điểm nơi khách viếng thăm có thể tham quan, tìm hiểu thêm về nhạc rock Ireland nói riêng và nền âm nhạc Ireland nói chung. Ngay khi đặt chân đến Bảo tàng, du khách sẽ được chào đón bởi Bức tường Danh vọng, nơi sẽ tạo cho họ ấn tượng ban đầu khó phai, nơi 100% các ông sẽ chụp ảnh check in khi được thấy tận mắt. Bức tường Danh vọng này chính là bức tường bên ngoài của bảo tàng, nơi trưng bày những bức hình cỡ đại của một loạt các tên tuổi được ví von như Hoàng gia của nền âm nhạc Ireland như Phil Lynott, Rory Gallagher, Sinead O’Connor, Shane MacGowan (của The Pogues), Bob Geldof hay Luke Kelly. Bên trong, Bảo tàng trưng bày vô vàn các hiện vật thú vị liên quan đến lịch sử nền âm nhạc Ireland qua các thập niên. Tại đây, du khách có thể tham quan hậu trường sân khấu Button Factory nổi tiếng; tham quan Apollo Studio, một sân khấu âm nhạc và phòng thu âm vẫn đang hoạt động, nơi ở của bàn mix âm thanh lớn nhất cả nước; khám phá những câu chuyện chưa từng được kể nơi hậu trường. Ông bạn đi Monsoon cùng, đã bảo đấy là điểm tham quan must see khi sang bển, và hứa mua tặng tôi một món quà lưu niệm mua tại bảo tàng này.
Lứa nghệ sĩ mới đại diện cho âm nhạc Ireland như The Script, Gavin James, Kodaline, Little Green Cars, Villagers, Walking on Cars và Hozier vẫn đang hoạt động không ngừng nghỉ để tiếp tục bổ sung cho sự lớn mạnh của nền âm nhạc nước nhà. Họ là thế hệ nghệ sĩ Ireland tiếp theo đang đạt được sự nổi tiếng toàn cầu và tiếp tục mang theo ngọn đuốc cho âm nhạc Ireland. Một trong số họ, Kodaline đã có màn trình diễn ấn tượng tại Monsoon Music Festival 2019 tại Hà Nội. Liệu những cái tên tiếp theo của làng rock Ireland đến biểu diễn tại Việt Nam có bao gồm My Bloody Valentine hay thậm chí là U2, tôi cũng không chắc nữa, chỉ biết nhờ cậy vào những cái tên Quốc Trung, Huy Tuấn và thậm chí là ĐSQ Ireland ở Việt Nam mà thôi, như những gì mà ĐSQ Đan Mạch đã làm với The Blue Van, hay Japan Foundation với The Molice và Okamoto. Còn tôi thì cứ mơ đến một ngày đẹp trời nào đó.
With or without you…
 
Dôn Dớ Dẩm
 
Hình ảnh:
MONSOON MUSIC FESTIVAL
Top