Lá thư âm nhạc: Ai còn cần những bảng xếp hạng về độ vĩ đại?

Sự đúng đắn chính trị đã trở thành thứ tôn giáo bất hạnh trên thế giới này", nghệ sĩ âm nhạc kỳ cựu Nick Cave viết về văn hóa bài trừ (cancel culture) những người nổi tiếng lỡ hành động trái với tiêu chuẩn đạo đức chính trị của đa số.

What’s going on của danh ca nhạc soul Marvin Gaye đứng đầu danh sách 500 album vĩ đại do Rolling Stones bình chọn

 

Nhưng "cancel culture" có lẽ là di chứng nhẹ nhất của sự đúng đắn chính trị đối với ngành văn hóa giải trí. Mới đây, Viện hàn lâm Điện ảnh Mỹ quyết định nhốt điện ảnh vào "chuồng" khi đưa ra tiêu chuẩn để một phim được xem xét đề cử hạng mục Phim hay nhất của Oscar. 

Nói ngắn gọn là một bộ phim muốn qua vòng "gửi xe" phải đạt một số tiêu chuẩn như chủ đề phim, số lượng diễn viên thuộc nhóm yếu thế như phụ nữ, người da màu...

Còn âm nhạc? Grammy chưa có động thái nào kiểu vậy. Nhưng tạp chí âm nhạc Rolling Stone vừa cho ra đời một danh sách 500 album vĩ đại nhất, phiên bản cập nhật so với bản lần đầu năm 2003 - mà sự tái sắp xếp của nó chẳng là gì ngoài một sự xét lại về mặt chính trị.

Vấn đề của bảng xếp hạng năm 2003 nằm ở chỗ quá rock, quá nhiều testosterone, còn vấn đề của bảng xếp hạng mới là hình như với nó, âm nhạc không phải trung tâm câu chuyện. Không phải nó chọn ra những album không hay. 

Xếp ở vị trí cao nhất, What’s going on của danh ca nhạc soul Marvin Gaye là một truyện kể đầy sức mạnh về người cựu binh trở về từ chiến trường Việt Nam đối mặt với hiện thực ở Mỹ. Xếp ở vị trí số 3 là Blue của Joni Mitchell, một tuyển tập âm nhạc đẹp như thơ tràn đầy tính nữ.

Nhưng liệu có phải vì Marvin Gaye đã định hình thứ âm thanh rổn rảng của Motown - hãng đĩa mà Berry Gordy Jr. đã xây dựng từ 800 USD vay mượn - để rồi từ đó lập nên sừng sững một đế chế riêng của những ca sĩ da màu, nên album của ông đã "đá đít" Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band - một hiện tượng văn hóa có một không hai trong lịch sử? 

Và việc xếp một album của Joni Mitchell trên những album của Bob Dylan, đó thực sự là nỗ lực tôn vinh âm nhạc, hay chỉ ngấm ngầm tuyên ngôn rằng đã đến lúc Bob Dylan là Joni Mitchell phiên bản nữ thay vì ngược lại?

Cũng không ai hiểu bảng xếp hạng được xếp trên tiêu chí gì. Nếu là cống hiến nghệ thuật, làm sao Take care của một ngôi sao "phẳng" như Drake có thể xếp trên tất cả những kiệt tác jazz của Ray Charles, Billie Holiday, John Coltrane? Nếu là sức ảnh hưởng, làm sao Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band có thể xếp sau My Beautiful Dark Twisted Fantasy hay kể cả What’s going on?

Bản danh sách mới vá víu những vết rách của bản 2003, để rồi còn nhăn nhúm hơn thế. Mà người ta có cần thêm một danh sách 500 album vĩ đại nhất? 

Tuy là một tham khảo tốt để tìm nghe những thứ tử tế, nhưng không thể coi nó là cách nhìn nhận lịch sử công bằng hơn. Bởi nếu vậy, tại sao chỉ có album tiếng Anh? 

Họ làm như thể lịch sử Mỹ là lịch sử thế giới. Nói vui thì cứ 7 người trên Trái đất thì có 2 người Trung Hoa và có chắc đối với họ, sự ảnh hưởng của Marvin Gaye hay Bob Marley thì lớn hơn sự ảnh hưởng của, chẳng hạn, Tứ đại thiên vương?

Và điều mà Rolling Stone nên làm có lẽ không phải là thêm thắt hay đổi thứ tự các album cho hợp với trào lưu chính trị đương thời. Họ chỉ cần thay cái tên danh sách "500 album vĩ đại nhất" thành một cái tên khác vừa vặn, và đừng tự phụ đặt văn hóa Âu Mỹ thành đền đài thiêng của văn hóa thế giới.

 

Tuoitre.vn

 
Top