REVIEW ALBUM: OZZY OSBOURNE - NO MORE TEARS

Với sự góp mặt của Lemmy, cùng 2 hit single nằm trong Billboard Hot 100 và một hình tượng mới có phần nhạy cảm hơn, đỉnh cao sự nghiệp solo của ngôi sao nhạc rock Ozzy Osbourne đang được tái phát hành, kỷ niệm 30 năm ra mắt.

 

BÀI REVIEW ALBUM: OZZY OSBOURNE - NO MORE TEARS CỦA BRAD SANDERS ĐĂNG TRÊN PITCHFORK. DỊCH BỞI BỤI STORE.

 

 

 

Khi Ozzy Osbourne bắt đầu thu âm No More Tears, ông vừa hoàn thành thời gian cai nghiện theo lệnh của tòa án, kết quả của một đêm nghiệt ngã năm 1989, khi ông đã mất kiểm soát và hành hung người vợ kiêm quản lý của mình, Sharon. Sau đó, tuy bà đã rút lại cáo buộc chống lại ông, nhưng đây rõ ràng là giọt nước tràn ly và lần đầu tiên trong cuộc đời nghiện ngập của mình, ca sĩ 41 tuổi đã phải cam kết đi cai nghiện phục hồi. No More Tears là album đầu tiên ông thực hiện trong trạng thái tỉnh táo. (Thực tế, đến nay ông đã thừa nhận rằng trong khi bỏ rượu bia, ông vẫn lạm dụng thuốc, những loại chỉ kê theo toa.) Đây cũng là cơ hội để chứng minh tài năng của ông vào thời điểm mà hình ảnh nghiện ngập của ông đang làm lu mờ, được chú ý hơn là, các sản phẩm âm nhạc. Trong ấn bản deluxe kỉ niệm 30 năm, No More Tears vẫn cho thấy dấu ấn của Osbourne với tư cách một nghệ sĩ solo.

 

Các vấn đề trong cuộc sống cá nhân của Osbourne được thể hiện toàn bộ qua âm nhạc. Một thập kỷ đã trôi qua kể từ khi sự hoang dã của Blizzard of Ozz xuất hiện, giờ đây chỉ còn một người đàn ông muốn giữ cho chuyến tàu điên rồ, “Crazy Train” của mình không bị chệch khỏi đường ray. “Tôi không thể chịu đựng một mình / Đừng bỏ mặc tôi tối nay,” (“I can’t take this alone/Don’t leave me on my own tonight,”), khi ông cầu xin trên “S.I.N.”, sự tuyệt vọng làm cho giọng hát của ông trở nên căng thẳng. "A.V.H." mang đến cảm giác đau đớn khi cai nghiện, trong khi bản ballad mạnh mẽ "Time After Time" kể về một mối quan hệ lâu dài bị rạn nứt, nghe có vẻ giống như chuyện tình của chính ông. Trong ca khúc kết thúc tuyệt đẹp, “Road to Nowhere”, Osbourne đã ca tụng con người cũ của bản thân với sự khiêm tốn và trọng thị: “Tôi đã nhìn lại cuộc đời mình / Và tất cả những điều tôi đã làm với bản thân / Tôi vẫn đang tìm kiếm câu trả lời / Tôi vẫn đang tìm chìa khóa.” (“I was looking back on my life/And all the things I’ve done to me/I’m still looking for the answers/I’m still searching for the key.”) Lần đầu tiên trong sự nghiệp, nam ca sĩ nổi tiếng liều lĩnh như đã hiểu được hậu quả hành động của mình.

 

 

Tất nhiên, No More Tears vẫn là một album Ozzy Osbourne và nó là một album xuất sắc vì nó cân những bài học cuộc sống và sự mong manh dễ tổn thương song song với sự liều lĩnh, mạnh bạo. Không giống như các album những năm 1970s của ông với Black Sabbath, tuy là một giai đoạn bất hủ, nhưng nó mang gánh nặng của cái danh “kẻ phát minh ra Heavy Metal”; thay vào đó, tác phẩm solo của Osbourne luôn là nơi mà ông có thể trở thành một ca sĩ nhạc pop. No More Tears đã mang lại 2 bản hit trong Billboard Hot 100, đó là ca khúc chủ đề hoành tráng, mang tính giao hưởng và bài hát nhẹ nhàng, lấy nước mắt, “Mama, I’m Coming Home”. Osbourne kể một câu chuyện ngọt ngào tình cảm và đơn giản — ông có một người mẹ và ông đang về nhà với bà ấy — với một cảm xúc sâu lắng mà chỉ những nghệ sĩ pop ballad vĩ đại nhất mới có thể chạm đến.

 

 

Một dấu ấn thường thấy trong tác phẩm solo của Osbourne là sự hiện diện của một nghệ sĩ guitar điêu luyện bên cạnh ông. Randy Rhoads, với phần thể hiện xuất sắc trong Blizzard of Ozz và Diary of a Madman, là một ngôi sao và xứng đáng với vị trí ngang Ozzy, và sau cái chết của Rhoads trong một vụ tai nạn máy bay năm 1982, Osbourne đã quyết định tiếp tục thuê một shredder để phụ tá cho mình. Zakk Wylde, lần đầu tiên anh tham gia là trong album No Rest for the Wicked năm 1988, và trong No More Tears, anh đã bước vào ngôi đền huyền thoại “những cánh tay phải vĩ đại của nhạc rock”. Wylde có thể shred với kĩ năng đỉnh cao, nhưng chính phong cách cổ điển, bắt nguồn từ blues của anh mới là thứ đã giúp định nghĩa thứ âm thanh độc đáo của những album mà anh đã thực hiện cùng Osbourne. Nếu không có những cú lick nhịp nhàng của anh, “Mama, I’m Coming Home” sẽ không nổi đến thế và những đóng góp của anh với tư cách sáng tác đã giúp No More Tears trở thành đĩa solo có tính ổn định nhất trong sự nghiệp solo của Osbourne.

 

Lemmy Kilmister quá cố cũng là người đóng góp quan trọng cho No More Tears. Frontman của Motörhead đã đồng sáng tác bốn bài hát hay nhất trong album: “I Don’t Want to Change the World”, “Mama, I’m Coming Home”, “Desire” và “Hellraiser”. Ngoài "Hellraiser", bài hát mà Motörhead cũng đã thu âm cho album March ör Die, còn lại là những bài mà Lemmy không thể nào diễn được ở show của chính mình, nơi không khí với những tiếng ầm ồn ào pha với rượu whisky không hoàn toàn phù hợp với những đoạn điệp khúc pop bay bổng và acoustic ballad dịu dàng . Motörhead vừa được ca tụng vừa bị chỉ trích vì họ tuân theo một phong cách nguyên thủy duy nhất, nhưng những sáng tác của Lemmy dành cho No More Tears chứng minh rằng ông là một nhạc sĩ linh hoạt, dũng cảm và có ý thức về việc phát huy hết thế mạnh của mình.

 

 

Các bản demo và bonus trên ấn bản mới này không đặc biệt hấp dẫn, nhưng những bản thu trực tiếp, được lấy từ một vài show vào năm 1992, lại vô cùng có ý nghĩa. Tour diễn năm 92 đó được đặt tên một cách táo bạo là No More Tours, khi Osbourne, giờ đây cạn kiệt sức lực, nhìn chằm chằm vào một vòng lặp những buổi biểu diễn bất tận khác và đưa ra quyết định rằng, ông không còn cảm thấy nó trong người nữa. “Tôi đã đi trên con đường này được 25 năm, khá lâu rồi,” ông viết trong cuốn hồi ký năm 2009 của mình, I Am Ozzy. “Tôi như một con hamster trên bánh xe: album, tour, album, tour, album, tour, album, tour. Ý tôi là, tôi có thể mua rất nhiều căn nhà, và tôi sẽ không bao giờ sống trong đó. " Tất nhiên, ông đã kết thúc quãng thời gian giải nghệ chỉ một vài năm sau đó, nhưng bạn có thể nghe thấy trong những bản thu âm này, lòng biết ơn sâu sắc mà ông cảm thấy đối với người hâm mộ của mình, thể hiện trong những gì Ozzy nghĩ sẽ là lần cuối cùng ông hát cho họ nghe. Trong hầu hết các bài hát, Osbourne đều ad-lib thêm câu "I love you!" giữa các verse. Cảm giác như, ông là một người hiểu được rất rõ sự quý giá khi có được cơ hội thứ hai.

 

 

Đánh giá: 8.1/10

Top