Trong đời sống âm nhạc, các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ chính là nhân tố “vàng” tạo sự mới mẻ, phong phú và đột phá cho nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, lực lượng này đang đối mặt với những thách thức để tìm chỗ đứng trên con đường nghệ thuật và trong lòng khán giả. Việc tổ chức những sân chơi đích thực, chuyên nghiệp cho họ sẽ tạo điều kiện để các tài năng phát lộ, tăng thêm sự phong phú, hấp dẫn cho âm nhạc Việt Nam. Đây chính là hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ cần được tham dự nhiều sân chơi chuyên nghiệp, như Liên hoan các ban nhạc toàn quốc, để trưởng thành hơn
Những “miền đất” mới
Tối 16-1, đêm nhạc mở màn cho chuỗi hoạt động Livespace Vietnam - sân chơi mới cho các nghệ sĩ nhóm nhạc có tiềm năng Việt Nam phát triển và khẳng định tài năng, đã diễn ra sôi động, cuốn hút ở Viện Pháp tại Hà Nội (số 24 Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm). Ba nhóm nhạc trẻ Limebócx, Những Đứa Trẻ và Chú Cá Lơ đã đưa công chúng tham gia một chuyến du hành âm nhạc từ rock đến nhạc điện tử, đan xen với nét tinh tế của âm nhạc truyền thống Việt Nam, như: Ca trù, quan họ, chầu văn…
Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam Thierry Vergon cho rằng, các nghệ sĩ trẻ Việt Nam rất tài năng, nhưng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc quảng bá tên tuổi, tiến nhập vào thị trường quốc tế, đóng góp cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa” - Monsoon Music Festival, nền tảng âm nhạc trực tuyến Believe, Báo Thể thao & Văn hóa tổ chức chương trình Livespace Vietnam, nhằm tạo điểm hẹn âm nhạc lành mạnh, văn minh cho công chúng; đồng thời bồi dưỡng năng lực, hỗ trợ các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ xây dựng sự nghiệp.
Tại đây, các nghệ sĩ, nhóm nhạc được hỗ trợ thu âm chất lượng cao, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, được tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia Việt Nam, quốc tế trong ngành công nghiệp âm nhạc, tiếp cận nhiều chương trình, dự án âm nhạc chuyên nghiệp trong và ngoài nước. Nghệ sĩ Trang Lê, thành viên nhóm Limebócx chia sẻ: “Theo đuổi âm nhạc truyền thống kết hợp với đương đại được 2 năm, nhưng Limebócx vẫn khá lúng túng để sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu khán giả đại chúng. Vì vậy, chúng tôi cần những sân chơi như Livespace Vietnam để phát huy khả năng”.
Tháng 12-2020, Ngày hội các ban nhạc - Bandland Fest 2020 cũng đã khiến sân khấu Thủ đô bùng nổ với sự cống hiến của 17 ban nhạc giàu đam mê, nhiệt huyết. Đây là sự kiện nằm trong dự án Bandland Channel do nhạc sĩ Dương Cầm sáng lập và điều hành, với tham vọng tạo “miền đất” mới cho các ban nhạc chuyên và không chuyên, đặc biệt là ban nhạc trẻ thể hiện tài năng, từ đó xây dựng văn hóa ban nhạc, đóng góp cho sự phát triển âm nhạc Việt Nam.
Trước đó, đời sống âm nhạc Việt có sự đổi sắc, tươi mới qua Liên hoan các ban nhạc toàn quốc năm 2019. Sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trở lại sau gần 30 năm vắng bóng, nhằm làm phong phú, chuyên nghiệp, tiệm cận xu hướng thế giới trong hoạt động biểu diễn âm nhạc và phát hiện, tìm kiếm những nghệ sĩ tài năng.
Là khán giả của sự kiện Bandland Fest 2020 và đêm nhạc đầu tiên của chương trình Livespace Vietnam, anh Phạm Minh Giang (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi đã từng theo dõi các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ và thấy họ trưởng thành hơn khi tham gia các sân chơi chuyên nghiệp này. Họ thực sự làm chủ sân khấu, biểu diễn cuốn hút khán giả…”.
Một tiết mục biểu diễn tại Ngày hội các ban nhạc - Bandland Fest 2020
Vươn tới những mục tiêu xa hơn
Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, ngành nghệ thuật biểu diễn phải phát triển đa dạng, phong phú các loại hình âm nhạc, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Do đó, việc tạo các sân chơi hỗ trợ nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ phát triển tài năng là hướng đi đúng đắn để thực hiện mục tiêu trên.
Theo nhạc sĩ Dương Cầm, các nghệ sĩ, ban nhạc trẻ hiện nay có tài năng, nhiệt huyết, đam mê, nhưng thường hoạt động độc lập và chưa xác định âm nhạc là con đường chính. Do đó, họ cần được hoạt động trong môi trường chuyên nghiệp, có các sân chơi, sản phẩm thường xuyên đưa vào đời sống, được cọ xát với giới chuyên môn quốc tế để trưởng thành hơn, từ đó mở rộng tầm nhìn, hướng tới những chân trời mới.
Còn theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, Giám đốc sản xuất của Lễ hội âm nhạc quốc tế “Gió mùa”, các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ với khả năng tự sáng tác và biểu diễn có sự nhanh nhạy, nắm bắt tốt các xu hướng quốc tế. Chính vì thế, họ là nhân tố chiến lược cho sự phát triển của âm nhạc, đưa âm nhạc Việt vươn tới những mục tiêu xa hơn - bước ra thế giới. “Thế mạnh của các nghệ sĩ Việt Nam là sự mới mẻ, cá tính, đậm bản sắc dân tộc. Khi được trang bị các kỹ năng, kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp cùng sự tự tin, họ sẽ dễ dàng hòa nhịp với thế giới”, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung nhận định.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, nghệ sĩ trẻ chính là tương lai của nghệ thuật nước nhà, nên cần được phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo sớm. Hiện, Bộ đã phê duyệt Đề án “Tổ chức cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp giai đoạn 2021-2030”, trong đó ấn định tổ chức liên hoan các ban nhạc toàn quốc 3 năm/lần. Bên cạnh đó, Bộ sẽ xúc tiến hợp tác với các cơ quan, đơn vị tổ chức những chương trình biểu diễn, liên hoan, lễ hội âm nhạc quốc tế để các nghệ sĩ, nhóm nhạc trẻ giao lưu, học hỏi, từ đó tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ văn hóa toàn cầu.
Hanoimoi.com.vn