Cho những ai đã quên, thời còn nghe nhạc bằng đĩa CD lại có những niềm vui nhỏ bé như thế này

Những năm gần đây, sự phát triển của nhạc số và các nền tảng nghe nhạc trực tuyến đã thay đổi gần như toàn bộ thói quen nghe nhạc của công chúng. Mấy ai còn nhớ rằng, khi nhạc số chưa phổ biến như hiện nay, việc nghe nhạc qua đĩa CD đã từng thú vị như thế nào?

   Nếu được trở lại vào thời điểm 20 năm trước, việc thưởng thức âm nhạc sẽ ra sao? Có lẽ nhiều khán giả đã quên mất rằng mình từng nghe nhạc bằng cách như thế nào trước khi các nền tảng nghe nhạc trực tuyến phát triển mạnh mẽ như bây giờ. Khi đấy, các bản nhạc được sản xuất chủ yếu qua những chiếc đĩa CD, mỗi đĩa như vậy chỉ chứa khoảng hơn mười bài hát. Mỗi lần muốn nghe nhạc, người nghe luôn cần đến máy nghe CD hoặc ít nhất là một đầu đĩa có kết nối với dàn âm thanh ngoài. Không ai có thể phủ nhận rằng việc nghe nhạc bằng đĩa CD khá bất tiện so với việc chỉ cần mở ứng dụng lên và nghe bất kì ca khúc nào mình muốn như hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, với không ít những người yêu âm nhạc, CD vẫn là một thứ gì đó đầy hoài niệm và chứa đựng không ít niềm vui trước khi công nghệ hiện đại thống trị tất cả.

 

 

  Một thời huy hoàng của những chiếc đĩa nhựa Đĩa CD được hình thành và phát triển từ những năm 1980s bởi hai ông lớn trong ngành công nghệ lúc bấy giờ là Sony và Philips. Tuy bắt đầu cùng một mục đích là ghi lại âm thanh vào trong một vật, mỗi hãng lại phát triển theo hướng riêng của mình. Đến năm 1980, công nghệ của hai hãng được hợp nhất lại và cho ra đời một chuẩn đĩa CD có thể chứa các tệp âm thanh. Đĩa CD dùng công nghệ quang học (tia la-de) để đọc và ghi dữ liệu lên bề mặt đĩa và được giới thiệu ra thị trường lần đầu tiên vào năm 1982. Đã hơn 30 năm kể từ những album đầu tiên đem đến thời đại bùng nổ của đĩa CD. Lớp khán giả thuộc thế hệ 8X trở về trước chắc hẳn không ai chưa từng trải qua những năm tháng chỉ nghe nhạc bằng những chiếc đĩa ấy.

  Tại Việt Nam, cũng đã từng có thời hoàng kim của đĩa nhạc vào những năm cuối thập niên 1990s với hơn hai mươi đơn vị sản xuất băng đĩa, hàng nghìn cửa hàng phân phối và hàng trăm nghìn bản được phát hành với mỗi chiếc đĩa CD. Những ngày xa xưa tại khu vực thành phố Hồ Chí Minh, đường Huỳnh Thúc Kháng chính là con đường quen thuộc của những người yêu âm nhạc với các cửa hàng bán đĩa CD luôn tấp nập người qua kẻ lại. Ưng Hoàng Phúc, nhóm H.A.T,… là những cái tên gắn liền với thành tích doanh số bán đĩa cao hàng đầu lúc bấy giờ. Vào những dịp như Tết Nguyên Đán, Tết Trung thu, Giáng sinh,… người ta từng đổ xô đi tìm những chiếc đĩa nhạc mới nhất, chứa nhiều bài hát hay nhất để đem về và thưởng thức cùng gia đình. Nhưng kể từ khi nhạc số phát triển và trở nên phổ biến, những chiếc CD dần được cất đi và rơi vào quên lãng, các cửa hàng nhộp nhịp năm xưa cũng theo đó mà biến mất. Cho những ai đã quên, thời còn nghe nhạc bằng đĩa CD lại có những niềm vui nhỏ bé như thế này.

   Năm 2004 chính là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự thoái trào của định dạng CD khi các nền tảng nghe nhạc trực tuyến xuất hiện ngày một nhiều. Sau đó, máy nghe nhạc MP3, iPod và các nền tảng khác tiếp tục ra đời nhiều hơn và phát triển nhanh vượt bậc với thư viện nhạc  số đồ sộ hơn bao giờ hết. Nhiều hãng sản xuất đĩa lúc bấy giờ phải chuyển hướng sang làm phim hoặc đầu tư vào các chương trình biểu diễn. Những năm gần đây, việc phát hành đĩa CD ở Việt Nam dường như phải phụ thuộc vào các ca sĩ, nhạc sĩ có tiềm lực lớn về kinh tế lẫn người hâm mộ như Mỹ Tâm, Vũ Cát Tường, Sơn Tùng M-TP,… Nhưng những chiếc đĩa ấy được khán giả mua về chỉ để làm kỉ niệm, để ủng hộ nghệ sĩ mình yêu thích, để tạo nên những kỉ lục, chứ ít ai thật sự mua CD về để nghe nữa.

  Có ai còn nhớ rằng, nghe nhạc bằng CD đã từng rất thú vị như thế này?

  Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, các nền tảng nghe nhạc trực tuyến ngày một cải thiện và đem đến cho khán giả những bản nhạc có chất lượng cao nhất. Nhưng với những khán giả đã từng nghe nhạc bằng CD, việc cầm chiếc đĩa CD trên tay để nâng niu và cẩn thận đưa vào đầu phát vẫn đem lại cảm giác đặc biệt cũng như đong đầy những cảm xúc khó tả.

  Ngày ấy, khi nghệ sĩ mà mình yêu thích phát hành album mới, phải chờ đến khi các cửa hàng băng đĩa gần nhà đem các CD mới nhất về bán, người ta mới có thể đến và mua về thưởng thức. Niềm vui nhỏ bé ấy chính là những cảm xúc mà lớp khán giả trẻ ngày nay sẽ chẳng bao giờ có được, khi mà họ chỉ cần nhấp chuột là ngay lập tức đã có vô vàn các ca khúc xuất hiện trước màn hình. Trong khi đó, ngày xưa khi đã có được chiếc CD mình muốn nghe rồi thì phải giữ gìn thật cẩn thận. Khi muốn nghe thì phải cho CD vào đầu đĩa, sau đó là một loạt các thao tác nhấn nút và chuyển tiếp bài theo thứ tự bài hát được ghi trên bìa đĩa mới có thể bắt đầu nghe bản nhạc mà mình muốn.

  Ở cái thời mà đĩa nhạc còn thịnh hành, những chiếc CD chính là kho báu riêng của mỗi người.

  Thậm chí có những chiếc đĩa đặc biệt không thể mua ở đâu mà chỉ có thể được tặng kèm khi mua quyển tạp chí hay sách ảnh nào đó. Và cảm giác “đau xót” nhất lúc bấy giờ chính là khi ai đó đã vô tình để lại một vết xước trên mặt đĩa. Một khi CD đã bị xước, chúng ta chỉ còn hai lựa chọn: chịu cảnh đang nghe nhạc thì âm thanh bị đứt quãng, hoặc mua lại hẳn một chiếc đĩa mới mà nghe. Đôi khi, những chiếc CD còn chứa đựng cả một câu chuyện đằng sau hay một trời kỉ niệm nào đó như chiếc đĩa này là CD đầu tiên tự mua bằng tiền tiết kiệm, chiếc kia là do người bạn thân thiết năm xưa tặng, hay chiếc nọ khó khăn lắm mới có thể mua được do quá khan hiếm,…

  Thời nay, nếu ai muốn nghe nhạc bằng đĩa CD thì cũng không còn dễ dàng như xưa nữa. Đầu đĩa CD được sản xuất ít hơn, nhiều máy tính đời mới không còn được trang bị ổ đĩa, cũng không có quá nhiều nghệ sĩ lựa chọn phát hành nhạc của mình dưới định dạng CD. Đa phần đĩa nhạc được khán giả ngày nay mua để giữ làm kỉ niệm, để sưu tầm, để ủng hộ cho nghệ sĩ mình yêu thích,… Nếu muốn nghe nhạc, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục chọn các ứng dụng nghe nhạc tiện lợi và đem đến chất lượng âm thanh không thua kém đĩa CD là bao. Thế nhưng khi nhớ về những chiếc đĩa nhạc ấy, cảm giác hoài niệm vẫn sẽ luôn còn mãi trong tâm trí chúng ta cùng niềm vui nho nhỏ nhưng không gì có thể thay thế.

 

 

 

 

Top